Biểu giá hỗ trợ (FIT) cho điện gió, điện mặt trời sau khi hết hiệu lực thì nhiều dự án dừng để chờ cơ chế giá mới làm tiền đề cho thỏa thuận giá bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Quy định về phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp trải qua thời gian khá lâu cũng đã được Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 3-10-2022. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng quy định này trái ngược với các chính sách trước đó nên vô cùng lo lắng bởi các điểm bất cập về pháp lý cũng như hiệu quả tài chính khiến các nhà đầu tư thiệt hại, có thể thua lỗ và phá sản.

Trở ngại không nhỏ là việc thỏa thuận mua giá bán điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp chưa được thống nhất giữa EVN và các nhà đầu tư. EVN hiện vẫn là đơn vị kinh doanh độc quyền – ai cung cấp điện thì chỉ bán cho EVN, ai có nhu cầu sử dụng điện cũng phải mua từ EVN.

Phát triển năng lượng tái tạo còn gặp trở ngại bởi những thay đổi chính sách, EVN tạm ngừng thanh toán tiền mua điện và yêu cầu các nhà đầu tư phải cung cấp hồ sơ an toàn công trình xây dựng, hồ sơ an toàn phòng chống cháy nổ. Trong khi hầu hết các nhà đầu tư đi vay ngân hàng làm xong dự án bán điện lại cho EVN, rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười, nguy cơ phá sản.

Phát triển điện gió, điện than phải đi kèm với hệ thống cạnh tranh tải điện, phân phối, sử dụng và giá điện phù hợp. Thế nhưng, ngành điện vẫn còn trong số ít dịch vụ, hàng hóa độc quyền dù đã có chủ trương hình thành thị trường phát điện cạnh tranh cách đây hàng chục năm. Luật Điện lực cũng quy định tách đơn vị phát điện độc lập không có chung lợi ích với đơn vị bán buôn điện, truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia và điều hành giao dịch thị trường điện.

Nước ta có chủ trương phát triển năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời không chỉ khuyến khích sống xanh, bền vững mà còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Sớm gỡ vướng, thống nhất các thủ tục với nhà đầu tư năng lượng tái tạo. Hoàn thiện các quy trình thủ tục với chính sách cho phát triển năng lượng tái tạo theo hướng tạo điều kiện tối đa giúp bảo đảm phương án hoàn vốn và có lợi nhuận, ưu đãi về thuế, đất đai, đơn giản hóa thủ tục, cạnh tranh công bằng để thu hút nhà đầu tư. Thậm chí, giảm trừ chi phí xây dựng và lắp đặt ra khỏi thu nhập trước khi tính thuế, ưu tiên mua điện sạch là năng lượng tái tạo với mức giá cao hơn so với suất đầu tư mới càng thúc đẩy tiến độ, khuyến khích phát triển.

Đồng thời, kết nối tạo điều kiện sử dụng điện trong nước và ưu tiên nâng cấp hệ thống đường truyền tải tiêu thụ điện gió, điện mặt trời cũng góp phần đáng kể cho cung cấp điện. Đây còn là một trong các giải pháp giúp chủ động bảo đảm an ninh năng lượng, huy động các nguồn lực xã hội phát triển điện từ nguồn năng lượng tái tạo bổ sung vào hệ thống điện quốc gia.

Quy hoạch điện VIII đang được rà soát, hoàn thiện trình cấp thẩm quyền còn là cơ hội điều chỉnh lại mục tiêu phát triển và khai thác năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời thay vì tính chuyện khó hơn là phụ thuộc nhập khẩu than, khí, nguyên liệu nước ngoài để sản xuất điện.

Có chính sách thiết thực nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh điện theo cơ chế thị trường, công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh công bằng và lành mạnh. Tách bạch, hạch toán riêng về chi phí giữa hoạt động phân phối điện và hoạt động bán lẻ điện trong tổng công ty điện lực và giữa các đơn vị tham gia thị trường, cổ phần hóa các tổng công ty điện lực, cổ phần hóa khâu bán lẻ điện, giá bán lẻ điện đáp ứng yêu cầu thị trường cạnh tranh.