Bạn đọc Bảo Hân:

Hình thành ý thức từ hành động của người lớn

Đi đám cưới, đám giỗ, đi ăn ở quán ăn bình dân, nhà hàng sang trọng hay ngay chính trong căn nhà của mình…, đâu đâu ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp những đĩa thức ăn thừa trên bàn. Việc lãng phí thực phẩm diễn ra khắp nơi và đây sẽ là hình ảnh xấu xí trong mắt con trẻ, tạo thành thói quen xấu cho trẻ khi lớn.

Để tránh lãng phí thực phẩm, người lớn cần là tấm gương. Không có bài học nào thiết thực và quý giá hơn bài học từ chính người lớn trong gia đình. Vì vậy, trước hết người lớn cần phải ý thức được giá trị của thực phẩm, biết quý trọng từng hạt cơm, ngọn rau, con cá. Khi mua sắm thực phẩm, cần tính toán hợp lý, mua vừa đủ dùng; tránh mua thừa, không dùng hết lại đổ bỏ.

Trong các bữa ăn của gia đình, người lớn nên chú ý tập cho trẻ thói quen ăn uống gọn gàng, không làm rơi vãi cơm. Nhắc con lấy lượng thức ăn vừa đủ, cố gắng ăn hết phần thức ăn của mình. Ăn xong, nếu thức ăn còn thừa và vẫn dùng được cho bữa sau, cần xếp lại gọn gàng, không bỏ lẫn lộn. Vừa tập, vừa lưu tâm giải thích cho con hiểu vì sao không nên làm rơi vãi, cần ăn hết thức ăn… để hình thành cho con ý thức quý trọng thực phẩm và công sức của người lao động.

Khi đi ăn ở ngoài, người lớn cần cân nhắc gọi các món ăn hợp khẩu vị với lượng vừa đủ, ăn hết phần thức ăn đã gọi. Phải thay đổi thói quen bỏ lại một chút thức ăn trong dĩa vì điều này gây ra sự lãng phí không cần thiết.

Với những tấm gương đẹp từ người lớn trong gia đình, lâu dần con trẻ sẽ biết quý trọng thực phẩm và có thói quen ăn uống lành mạnh.


Người Việt quá lãng phí thực phẩm!: Người lớn cần làm gương cho con trẻ - Ảnh 1.

Quán chay trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP HCM) nhắc khéo thực khách Ảnh: Lưu Đình LongBạn đọc Hải Đăng:

Thay đổi một vài thói quen

Đầu tiên, mỗi người học cách thay đổi một vài thói quen là đã có thể tiết kiệm lương thực, chi phí tiêu dùng. Trước khi đi mua thực phẩm, hãy xem qua thức ăn có trong tủ lạnh, thực phẩm khô dự trữ để tránh mua thêm nhiều dẫn đến không thể tiêu thụ hết. Việc lên thực đơn hằng ngày là rất quan trọng, giúp chúng ta biết cần mua những thứ gì để chuẩn bị cho việc nấu ăn, như thế tốt hơn là lựa chọn những thứ nằm trong tầm mắt mà chưa dùng đến.

Sắp xếp thức ăn thừa, thực phẩm cũ nằm ở ngoài, gần cửa tủ lạnh để không bỏ quên và lên kế hoạch sử dụng. Chỉ cần một chút khéo léo là có thể tận dụng thức ăn sẵn có để nấu một bữa cơm ngon và tiết kiệm.

Một số mẹo nhỏ có thể giúp ích, như: Kiểm soát khẩu phần ăn, bắt đầu bằng một phần nhỏ, có thể lấy thêm nếu cần và ăn hết khẩu phần của mình. Nếu bữa ăn tối còn sót lại, hãy bảo quản chúng và tạo thành những món mới cho ngày hôm sau. Tập dần thói quen cắt giảm chi phí, chỉ mua những thực phẩm cần, đừng mua chỉ vì thích. Lên kế hoạch mua sắm phù hợp với nhu cầu thực tế. Quy luật sử dụng thực phẩm là “vào trước thì ra trước”. Những thực phẩm nào chế biến trước, mua trước thì sử dụng trước, tránh để hư hỏng. Thực phẩm cần được lưu trữ đúng cách để kéo dài thời gian sử dụng. Nếu gia đình không có vật nuôi, hãy gom thức ăn thừa, liên hệ với người chuyên thu gom thức ăn thừa để dùng làm thức ăn chăn nuôi.

Để ngừng việc lãng phí thức ăn, cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi cộng đồng; vận động các nhà hàng, khách sạn cùng tham gia khuyến khích thực khách cùng thay đổi hành vi; kêu gọi các nghệ sĩ nổi tiếng trở thành các đại sứ thiện chí; áp dụng các mô hình hạn chế lãng phí thức ăn hiệu quả; cung cấp các bữa ăn cho trẻ em đói nghèo…

Là những người trưởng thành, cần thực hiện ngay việc thực hành chống lãng phí thực phẩm để con trẻ, thế hệ sau nhìn thấy một cách trực quan mà học tập, thay đổi thói quen để có phong cách sống bền vững.

Giữ thức ăn thừa luôn sạch sẽ

Để không lãng phí thực phẩm, cần thực hiện một số việc sau: Nên tiếp đồ ăn vừa đủ, ăn hết đến đâu đem ra đến đó. Khi ăn, mỗi người nên sử dụng hai đôi đũa với hai màu khác nhau, một đôi dùng để lấy đồ ăn từ bàn ăn lên; tô canh thì có một cái vá; chén nước chấm cũng có một cái muỗng để dùng chung… Như vậy, thức ăn dư thừa vẫn sạch sẽ, có thể tận dụng sau đó; đồng thời hạn chế lượng lớn rác thải, phòng chống bệnh tật.

Ý thức được hình thành từ khi còn nhỏ sẽ khó phai mờ. Cha mẹ hãy dạy và thường xuyên nhắc nhở con biết trân quý thức ăn, rời bàn ăn thì tất cả mọi thứ trên bàn ăn đều hết, dù chỉ là một hột cơm hay cọng rau, chén nước chấm…

Lê Văn Cải