Luật Người Cao tuổi quy định người cao tuổi có các quyền sau: “Được bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe; quyết định sống chung với con, cháu hoặc sống riêng theo ý muốn; được tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao, giải trí, du lịch và nghỉ ngơi; được tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khỏe, nghề nghiệp và các điều kiện khác để phát huy vai trò người cao tuổi; được miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội, trừ trường hợp tự nguyện…”.

Mặc dù luật đã quy định các quyền của người cao tuổi nhưng không ít người già yếu có hoàn cảnh neo đơn vẫn lo cho cuộc sống tương lai, trong đó tự lo cho bản thân là việc khó khăn nhất. Câu “trẻ cậy cha, già cậy con” dường như đã không còn phù hợp nữa bởi hầu hết thanh niên ngày nay thường rời xa cha mẹ để kiếm sống, gặp khi “trái gió trở trời” cha mẹ cũng phải tự lo. Nhiều người cao tuổi sống ở quê không muốn theo con cháu đến các địa phương mới vì “ở đâu quen đó” và “không được tự do thoải mái bằng ở nhà mình”…

Tôi nghĩ người già cũng cần chuẩn bị trước nguồn tài chính sao cho đủ chi tiêu trong cuộc sống hằng ngày. Không nên chuyển trước quyền thừa kế, nhất là nhà đất, cho con cháu nhằm tránh mất quyền kiểm soát tài chính cũng như thưa kiện có thể xảy ra. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng “nhà dưỡng lão” với mức phí phù hợp thu nhập của đa số người dân; tập hợp người giúp việc tự phát rồi “đào tạo” và quản lý các dịch vụ chăm sóc người bệnh trong các bệnh viện…