“Những vụ án liên quan đến bạo lực trong thời gian qua cho thấy có những vụ xuất phát từ mâu thuẫn kéo dài trong gia đình; có những vụ chỉ là mâu thuẫn bột phát trong lúc nói qua nói lại trên mạng xã hội hoặc do ăn nhậu, va chạm xe trên đường… Đặc biệt, không ít người đã dùng bạo lực khi bị làm phiền (nẹt pô, tiếng còi xe, hát karaoke…). Điểm chung của những đối tượng gây án là khả năng kiềm chế kém, thiếu kỹ năng ứng xử nên dễ nổi nóng, dễ dùng bạo lực để giải quyết vấn đề” – bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự VKSND TP HCM, nhận định.

Không làm phiền người khác

Phân tích sâu hơn tình trạng một bộ phận người trẻ thích dùng bạo lực, bà Nhuệ nói cái gốc nằm ở giáo dục. “Ở Nhật, ngay từ khi trẻ còn nhỏ đã được dạy dỗ về văn hóa không làm phiền người khác. Nhờ đó, trẻ em học được tính tự lập và tự chịu trách nhiệm trước những hành vi của mình. Đây là điểm tốt mà chúng ta cần học hỏi. Nên dạy trẻ cách ứng xử trong giao tiếp, kỹ năng sống; dạy những vấn đề đơn giản ngay từ khi còn nhỏ như xếp hàng, không vứt rác bừa bãi, biết xin lỗi và cảm ơn… Từ những bài học nhỏ đó, trẻ sẽ dần dần nhận ra rằng lợi ích cá nhân phải được đặt sau lợi ích của cộng đồng hay nói cách khác phải luôn biết đặt lợi ích cộng đồng lên trên. Khi làm được điều đó, người ta sẽ không dùng bạo lực trong mọi tình huống” – bà Nhuệ chia sẻ.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư – Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM, cho rằng nhiều thanh thiếu niên sống trong gia đình bạo lực sẽ có xu hướng sử dụng bạo lực giải quyết mâu thuẫn.

Ngăn chặn hành xử bạo lực (*): Phải biết đặt lợi ích cộng đồng lên trên - Ảnh 1.

Đỗ Thành Tài (An Giang), đối tượng dùng búa đánh hàng xóm vì hát karaoke quá lớn tại cơ quan công an Ảnh: NGHIÊM TÚC

“Trẻ em sống trong gia đình cha mẹ hay đánh nhau thì ít nhiều bị ảnh hưởng tính cách của người lớn. Khi đến trường, khi ra đường hoặc chỉ xảy ra mâu thuẫn nhỏ ở nơi làm việc cũng khiến họ dễ nổi cơn tam bành, dùng hung khí nguy hiểm tấn công người khác. Do đó, thầy cô cần quan tâm, giúp đỡ những trẻ sống trong môi trường bạo lực từng bước hoàn thiện nhân cách. Nếu phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường, cần tìm hiểu để kịp thời giúp trẻ trở lại trạng thái tâm lý bình thường. Có như vậy, các em mới không bị ảnh hưởng bởi cái xấu, không bắt chước người lớn nói tục, chửi thề rồi hành hung bạn bè” – luật sư Ngọc Nữ nói.

Bên cạnh đó, luật sư Ngọc Nữ cũng lưu ý tình trạng nhiều người dùng mạng xã hội thường có văn hóa ứng xử không tốt, “bắt nạt trực tuyến”. Từ “bắt nạt trực tuyến” dẫn đến “bắt nạt trực diện” là khoảng cách rất gần, minh chứng là rất nhiều vụ việc chửi nhau trên mạng rồi hẹn giải quyết xung đột bằng hung khí. Do đó, việc giáo dục con trẻ ứng xử có văn hóa trên không gian mạng cũng sẽ giải quyết được những vấn đề quan trọng, tránh xảy ra những sự việc đau lòng.

Không bàng quan trước cái xấu

Thường cùng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM phối hợp với các trường học tổ chức các phiên tòa giả định về những tình huống pháp lý có thể xảy ra nếu không kiềm chế được cảm xúc bản thân, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết mục đích của những phiên tòa này là để học sinh tiếp thu trực quan, sinh động, dễ hiểu những bài học pháp luật, từ đó giúp các em ứng xử tốt trong cuộc sống; biết tố cáo, vạch trần cái xấu.

“Như những hòn tuyết lăn, cái xấu càng đi xa càng lớn dần. Mỗi người dân cần phải dũng cảm tố cáo cái xấu để điều chỉnh hành vi chưa đúng của người khác. Nếu im lặng trước những lời chửi bới, đe dọa mang tính chất côn đồ trên mạng xã hội lẫn trong cuộc sống sẽ dễ dẫn đến những kết cuộc không tốt. Do đó, không được bàng quan, thờ ơ trước cái xấu mà cần đứng ra tố cáo, vạch trần cái xấu trước pháp luật” – luật sư Ngọc Nữ nhấn mạnh.

Bà Lê Thị Thu, nguyên Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Việt Nam, cho rằng ngày nay internet phát triển nhanh, từ đó môi trường mạng tác động không nhỏ đến việc hình thành nhân cách của trẻ em cũng như thanh thiếu niên. “Luật An ninh mạng đã có, cần áp dụng để siết chặt việc quản lý các clip, phim ảnh mang tính chất bạo lực. Cha mẹ cần quan tâm đến con nhiều hơn, phải biết con mình đang làm gì, chơi với ai… Quan sát con trên mạng sẽ giúp cha mẹ có cách ứng xử phù hợp” – bà Lê Thị Thu nói.

Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ cũng cho rằng cha mẹ nên cho con hiểu nếu gặp những lời đe dọa, những lời rủ rê không tốt thì trẻ cần tâm sự, chia sẻ với thầy cô, cha mẹ, anh chị em hoặc người mà trẻ tin tưởng có thể cùng mình đưa ra hướng giải quyết tốt nhất. Tránh bị kích động để rồi chọn sử dụng bạo lực để giải quyết và phải trả giá. 

Giao tiếp là chìa khóa

Khi có một ai đó làm trái ý, tâm lý chung của con người là phản ứng lại bằng cách nói hoặc làm một việc gì đó khiến người kia cũng phải chịu sự tức giận như mình, nghĩ rằng làm thế mình mới hả hê, sung sướng. Kết quả là gây nên sự đau khổ cho cả hai, thậm chí ảnh hưởng đến cả những người xung quanh. Trong khi đó, con người có ngôn ngữ, có chữ viết, hoàn toàn có khả năng giải quyết hiểu lầm bằng cách giao tiếp, nói chuyện, trình bày chân thật, tử tế với nhau.

Khi ngọn lửa của tức tối, hậm hực bùng cháy, cái tôi cá nhân bắt đầu xâm chiếm tâm trí, điều cần thiết lúc này là người trong cuộc không nên nói hay làm bất cứ điều gì. Bởi những lời nói, hành động trong lúc nóng giận sẽ chỉ gây thêm đổ vỡ và tổn thương.

Những câu chuyện bạo lực không còn là chuyện đâu đó bởi đối tượng có hành vi bạo lực đâu phải chỉ có những thành phần “giang hồ từ trong máu”, lêu lổng mà có cả những người có điều kiện kinh tế, có học thức… Cái ác có thể trỗi dậy bất cứ khi nào phần “người” yếu thế. Muốn đời sống chúng ta tràn ngập sự thiện lương, hòa ái thì mỗi người cần giữ cho mình sự tỉnh táo. Thay vì “động thủ”, hãy cố gắng hít thở sâu để lấy lại sự cân bằng cho bản thân. Chỉ cần một vài hơi thở sâu, người ta có thể biến “hầm lửa thành hồ sen”.

Huyền Trang

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-8