Trong số các vụ việc ẩu đả, giết người, các hành xử phi văn hóa… xảy ra thời gian gần đây, có không ít trường hợp liên quan đến thanh thiếu niên.

Giáo dục kỹ năng ứng xử

Nguyên nhân dẫn đến hành vi côn đồ, bạo lực, vi phạm pháp luật rất đa dạng và rất nhiều vụ trong số đó xuất phát từ những chuyện hết sức nhỏ nhặt… Dường như, một bộ phận giới trẻ đã đánh mất sự tỉnh táo để phân biệt phải – trái, đúng – sai, chọn bạo lực như chìa khóa để giải quyết những vấn đề không vừa ý, bất chấp cái giá phải trả cùng những mất mát khác không gì bù đắp nổi.

Với nhu cầu muốn thể hiện bản thân, một số người trẻ lầm tưởng hành vi hung hãn, bạo lực là cách khẳng định cái tôi, lấy “số má” cho người khác vị nể. Thực tế, nhiều tội phạm vị thành niên phải đóng chặt cánh cửa tương lai vì những suy nghĩ bốc đồng dẫn đến hành vi sai trái.

Thói hung hăng, côn đồ không hình thành trong một sớm một chiều mà rất có thể những người trẻ này bị tiêm nhiễm từ những người xung quanh và môi trường sống; tâm lý bất ổn; quy chuẩn đạo đức xã hội bị lãng quên…

Để ngăn ngừa thói hung hăng trong giới trẻ, nhất thiết phải trao cho họ kỹ năng xử lý những vấn đề của cuộc sống. Thái độ ôn hòa, ứng xử văn minh là điều cần được giáo dục, định hướng.

Chính mỗi người lớn trong gia đình, nhà trường và rộng hơn là xã hội cần ý thức vai trò nêu gương. Giữ được tinh thần đối thoại hơn là đối đầu là nền tảng tiên quyết để tháo gỡ những khúc mắc, va chạm, hiểu lầm, mâu thuẫn trong các mối quan hệ xã hội của người trẻ. Họ cần học cách đánh giá mức độ, tính chất các vụ việc để có phản ứng phù hợp. Đời sống thiên hình vạn trạng, không có công thức chung để giải quyết mọi vấn đề nhưng nếu người trẻ có kỹ năng làm chủ cảm xúc, bình tĩnh suy nghĩ thấu đáo trước mọi tình huống… là đã giúp mình và giúp người tránh rủi ro hoặc sai lầm có thể ân hận cả đời.

Ngăn chặn hành xử bạo lực (*): Chú trọng đến giới trẻ - Ảnh 1.

Nhóm các đối tượng hỗn chiến gây náo loạn trên đường Cao Thắng (quận 10, TP HCM) tại cơ quan công an. Ảnh: HƯNG NGUYÊN

Tăng cường tương tác, lắng nghe

Sự phát triển của công nghệ đem đến cơ hội học hỏi, tiếp cận thế giới một cách thuận lợi hơn nhưng cũng nảy sinh nhiều mặt tiêu cực. Qua vài thao tác đơn giản, người ta dễ dàng “hòa mình” vào cuộc sống của băng đảng, các nhóm xã hội đen từ những bộ phim, web drama đầy tính giang hồ, chợ búa…; clip đánh ghen hay những cuộc truy sát lẫn nhau… Tuổi trẻ nhạy cảm, dễ bị cuốn vào xu hướng của số đông, rất cần những người đi trước thật sự quan tâm, thấu hiểu, đồng hành chứ không phải chỉ phê phán hay trừng phạt khi người trẻ có những dấu hiệu lệch chuẩn. Người lớn cần tăng cường tương tác, lắng nghe để trợ giúp con em khi cần thiết thay vì bỏ mặc bạn trẻ lớn lên cùng thiết bị điện tử. Không chỉ xây dựng lối sống lành mạnh, tư duy tích cực để có hành xử đúng đắn, văn minh mà các bậc phụ huynh, thầy cô… cũng nên dành thời gian phân tích cho bạn trẻ hiểu bạo lực là điều không thể chấp nhận dù ở hình thức và mức độ nào.

Bạo lực xã hội là hệ quả từ sự tác động của nhiều yếu tố tiêu cực. Hiếm có nơi nào hoàn toàn “sạch” bạo lực nhưng chúng ta có quyền kỳ vọng và xứng đáng được sống trong môi trường hòa ái, nhân văn với nhiều mảng màu tích cực hơn là những nỗi lo sợ, ám ảnh. Điều đó đòi hỏi nhận thức, sự chung tay của cộng đồng phải được nâng cao; sự quyết tâm thay đổi hành vi của cá nhân, xã hội nhằm giúp ngăn chặn bạo lực trước khi bắt đầu.

Gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống

Nguồn cơn sâu xa của thói quen sử dụng vũ lực để dàn xếp những mâu thuẫn đang diễn ra phổ biến hiện nay trong xã hội xuất phát từ tâm lý nóng nảy, thích thể hiện giữa đám đông của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Thực tế cho thấy giới trẻ phạm tội chiếm tỉ lệ lớn bởi đặc tính bốc đồng, sĩ diện hão; dễ bị kích động, dễ bắt chước, chạy theo những giá trị ảo; chủ quan, nông cạn khi phân tích, đánh giá sự việc, hiện tượng. Xu hướng này càng gia tăng ở các gia đình cha mẹ nuông chiều, bao bọc con cái thái quá, hình thành tính ích kỷ, tự do, tùy tiện hành động. Hoặc gia đình có nhiều khiếm khuyết, cha mẹ đối xử hà khắc, ít quan tâm chia sẻ với con… Chưa kể, những tác động từ internet, rượu, bia và ma túy dẫn tới ảo giác.

Nói cách khác, sự gãy vỡ trong cấu trúc gia đình truyền thống, sự yếu kém trong giáo dục gia đình hiện đại đã tạo ra một bộ phận người trẻ có xu hướng ứng xử bạo lực, vô cảm. Thiếu hụt các kỹ năng về nhận diện và diễn giải vấn đề một cách khách quan lại thường xuyên nhìn thấy những ứng xử bạo lực từ môi trường, người trẻ sẽ nhạy cảm quá mức, diễn giải mọi tình huống đều là nguy cơ thù địch, từ đó phản ứng bột phát, tiêu cực.

Để giải quyết và hạn chế những hành vi bạo lực, cần giáo dục cho giới trẻ việc gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc ngay từ gia đình, thôn xóm, khu phố để xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn minh. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với nhà trường và các tổ chức xã hội tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để thu hút giới trẻ tham gia; trang bị cho họ kỹ năng xử lý những vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Những việc này cần có thời gian, sự bền bỉ, xuyên suốt, đồng bộ của toàn xã hội.

Ngọc Diễm

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-8