Bán đồ chơi trẻ em trước cổng Thảo Cầm Viên Sài Gòn (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1) nên hầu như ngày nào cũng vậy, cứ khoảng 6 giờ 30 phút là bà Huỳnh Tuyết Mai lại đạp xe đến đây. Thế nhưng, sau khi dựng chiếc xe đạp vào hàng rào, thay vì bày biện đồ chơi mời chào khách, bà lại vội lấy túi thức ăn đã chuẩn bị sẵn đi tìm đám “cháu nội”.

“Cháu tôi đứa nào cũng đẹp!”

“Mimi ơi. Meo ơi. Đen ơi… Ra ăn nè, bà nội tới rồi” – bà Mai vừa đi xung quanh các lùm cây vừa trìu mến gọi bầy mèo hoang. Một, hai, ba… rồi hàng chục con nhô đầu ra quan sát. Thấy không có người lạ, chúng liền tiến đến “bà nội”. Nhiều con còn nũng nịu dụi dụi mình vào chân bà.

Mèo hoang không cơ nhỡ - Ảnh 1.

Bà Huỳnh Tuyết Mai chăm sóc mèo hoang ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn

Túi thức ăn bà Mai chuẩn bị sẵn từ nhà có rất nhiều “topping”. Ngoài cơm trắng, hạt thức ăn cho mèo, bà còn làm thêm cá hấp hoặc xúc xích.

“Tôi luôn chia thức ăn ra thành từng phần riêng biệt để tiện theo dõi khẩu phần của từng con. Sáng nào cũng thế, tôi phải chờ chúng ăn xong hết mới bắt đầu dọn hàng ra bán” – bà Mai cho biết.

Trung bình mỗi ngày, “bà nội” dành ra 150.000 đồng để mua thức ăn cho khoảng 30 “cháu” mèo. Ngày nào buôn bán có đồng ra đồng vô thong thả hơn, bà không ngần ngại “cho cháu xài sang”, mua thêm tôm và chả chiên.

Kể về bữa ăn của bầy mèo hoang, giọng bà Mai đầy yêu thương: “Tụi nó kén ăn lắm, cơm thì phải khô, nếu ướt là không chịu. Con này tị nạnh con kia, mình phải thương đồng đều tụi nó mới chịu ăn”.

Từ ngày để tâm chăm lo cho bầy mèo hoang ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn đến nay, gần 40 năm qua, nếu không gặp chuyện bất khả kháng thì chưa bao giờ bà Mai nghỉ bán. Bà giải thích: “Nghỉ bán thì làm sao chăm chúng được. Tôi cần phải đi bán hằng ngày để còn vào ra thăm nom tụi nó nữa”.

Năm rồi, TP HCM phải giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19. Quãng thời gian dài phải ở nhà không buôn bán gì được, không có tiền mua thức ăn cho bầy mèo, cũng không thể đến Thảo Cầm Viên xem chúng “ăn ở” ra sao…, lòng bà Mai như lửa đốt.

Khi giãn cách xã hội được nới lỏng, lo bầy mèo không có ai cho ăn, bà Mai liền đạp xe loanh quanh thành phố xin cơm từ thiện mang đến cho chúng. “Tụi nó đã bị người khác bỏ rơi một lần rồi, không lẽ bây giờ mình cũng không ngó ngàng gì đến chúng nữa. Giá nào tôi cũng phải lo cho bầy mèo này được no bụng” – bà khẳng định.

Nhớ lại những lần chứng kiến mèo ở Thảo Cầm Viên bị kẻ trộm bắt đi, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt già nua của bà Mai. Bà từng quỳ xuống xin chuộc lại mèo nhưng tên trộm vẫn lạnh lùng lắc đầu. “Mèo mẹ bị bắt trộm, mèo con khát sữa rồi cũng từ từ bỏ tôi mà đi…” – bà buồn bã.

Mèo hoang không cơ nhỡ - Ảnh 2.

Thấy chúng tôi chú tâm quan sát một chú mèo tam thể có đôi mắt long lanh nhưng tiều tụy đang nằm co ro trong thùng xốp, bà Mai liền đến vuốt ve nó. “Mimi ngoan, ráng ăn cho mau khỏe, bà nội thương”- bà thủ thỉ.

Bà Mai cho hay lần đầu bắt gặp chú mèo hoang này trong tình trạng da bọc xương, không thể tự đứng vững, bà rất xót xa. “Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra khiến Mimi ra nông nỗi như thế. Vậy mà bất kỳ lúc nào thấy bà nội, nó cũng cố gắng lảo đảo đi theo. Tôi tin Mimi sẽ sớm khỏe lại” – bà cương quyết.

Khi chúng tôi lấy máy ảnh ra chuẩn bị chụp những chú mèo, bà Mai cười tít mắt, giọng đầy tự hào: “Cháu tôi đứa nào cũng đẹp, chụp hình chắc ăn ảnh lắm!”.

Dạy… tiếng Anh cho “các bé”

Trò chuyện với anh Nguyễn Quốc Bảo – ngụ trong một con hẻm trên đường Lê Hồng Phong, quận 10, TP HCM – điều mà chúng tôi ấn tượng là chàng trai này ít khi nào dùng các từ như “con”, “nó” để chỉ những chú mèo, chó lang thang được anh mang về nuôi. Thay vào đó, anh luôn thân mật gọi chúng là “các bé”.

Mèo hoang không cơ nhỡ - Ảnh 3.

Càng ấn tượng hơn khi chúng tôi chứng kiến Bảo dạy… tiếng Anh cho “các bé”. Thấy chúng tôi ngỡ ngàng, anh cười: “Ban đầu, khi nghe tôi nói tiếng Anh với mèo hay chó, nhiều người tưởng đầu óc tôi có vấn đề. Đến khi thấy các bé hiểu được và làm theo lời tôi thì họ lại vỗ tay thích thú”.

Bảo giải thích anh xem tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Tiếng Anh hỗ trợ Bảo rất nhiều trong công việc, vì thế anh muốn “các bé” cũng hiểu được ngôn ngữ này. Anh nhận xét: “Dạy thú bằng tiếng Anh hay tiếng Việt cũng như nhau, quan trọng là việc duy trì thói quen giao tiếp hằng ngày bằng một ngôn ngữ sẽ giúp các bé hiểu dần”.

Ban đầu, Bảo dạy những chú mèo, chó các từ đơn giản như “go in”, “go out, “jump up”, “sit down”…, sau đó “nâng cao ngoại ngữ” cho chúng dần. Anh mở các video tiếng Anh trên máy tính, phát loa ngoài để mèo, chó ở bất kỳ ngóc ngách nào trong nhà cũng có thể nghe. “Quan trọng nhất là những tháng đầu tiên khi các bé mới về đây. Thời gian đầu, các bé dễ tiếp thu hơn” – anh nhìn nhận.

Bảo cho biết những năm trước, khi từ Vũng Tàu lên TP HCM lập nghiệp, xa quê sống một mình nơi đất khách, anh từng cảm thấy rất cô đơn. Chứng kiến những chú mèo, chó bị bỏ rơi, lang thang sục sạo từng thùng rác lục tìm thức ăn rồi bị người ta xua đuổi, lòng anh chùng xuống. “Khi đó, tôi ước ao mình có đủ điều kiện kinh tế để thuê một căn nhà nhỏ làm mái ấm che chở các bé đáng thương ấy” – anh kể.

Mèo hoang không cơ nhỡ - Ảnh 4.

Các “bé mèo” trong mái ấm của anh Nguyễn Quốc Bảo

Với công việc cho du khách thuê xe máy, đến năm 2019, Bảo dành dụm tiền mướn một căn nhà làm nơi cưu mang những chú mèo, chó bị bỏ rơi. Chessy là chú chó đầu tiên được anh mang về. Cứ lần lượt như thế, hàng chục mèo, chó hoang được “nhập hộ khẩu” mái ấm này.

Gần 3 năm nay, sáng sớm nào người dân gần nơi Bảo cư ngụ cũng chứng kiến hình ảnh quen thuộc: Chàng trai này đi bộ ra chợ gần nhà mua thức ăn cho bầy mèo, chó và “các bé” lững thững theo sau. Chị Yến Nhi, chủ quầy thịt bò, cảm phục: “Ngày nào Bảo cũng dắt “đám lính” này ra chợ. Vì biết Bảo cưu mang những con vật bị bỏ rơi nên tôi chỉ bán thịt với giá rẻ, xem như mình góp một phần chăm lo cho chúng”.

Đến giờ ăn, cả bầy hàng chục con mèo, chó cứ quẩn quanh bên chân Bảo. Phần thức ăn đã chuẩn bị sẵn để giữa nhà nhưng không con nào dám “manh động”. Chỉ khi Bảo ra hiệu lệnh thì lần lượt từng con mới lại ăn. “Các bé tuy không nói được nhưng từng cử chỉ, hành động không khác gì những đứa trẻ ngoan” – anh so sánh.

Bảo cho biết anh thường vuốt ve, tâm sự với “các bé” sau một ngày làm việc bên ngoài, kể về những chuyện mình đã trải qua… Chúng tôi khó thể hình dung được việc này như thế nào, chỉ cảm nhận rõ rằng với Bảo, những chú mèo, chó hoang mà anh mang về nuôi dưỡng không khác nào những người bạn thân.

Những người đồng cảm với các

con vật bất hạnh như bà Tuyết Mai, anh Quốc Bảo hay vợ chồng chị Anh Thư đều cảm thấy cuộc sống thật nhiều màu sắc, ý nghĩa khi có sự xuất hiện chúng bên mình.

Những đôi chân đặc biệt

Tình thương dành cho những con vật khuyết tật, bị bỏ rơi của anh Oscar Fernando Ruiz Bonilla và vợ là chị Trần Anh Thư (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cũng không kém phần đặc biệt. Họ đã thành lập hẳn một trung tâm mang tên Forever Wheelchair, chỉ để làm ra những chiếc xe lăn, những chiếc chân giả hỗ trợ mèo, chó bị hành hạ, bại liệt và kêu gọi cộng đồng giúp đỡ chúng.

Moto là chú chó liệt chân đầu tiên vợ chồng anh Oscar nhận hỗ trợ. Khi ấy, anh đã thức nhiều đêm liền để tự tay chế tạo chiếc xe lăn cho nó. Cũng từ đó, những chú mèo, chó có hoàn cảnh đặc biệt được vợ chồng họ mang về nhà lắp chân giả, thiết kế xe lăn, chăm sóc ngày càng nhiều.

Anh Oscar nhớ lại: “Ban đầu, tôi dùng ống nước để làm xe lăn. Sau đó, tôi thấy ống nước quá nặng so với thân hình chó, mèo nên tìm vật liệu khác. Tôi cũng nghiên cứu về giải phẫu học để biết được nơi tốt nhất để buộc xe lăn vào cơ thể động vật. Ngoài ra, phải nghiên cứu nhiều về chất liệu để làm xe lăn sao cho nhẹ nhàng, phù hợp”.

Anh Oscar chế tạo xe lăn miễn phí cho một chú mèo bại liệt

Khi xe lăn tự chế cho chó, mèo khuyết tật được nhiều người biết đến, anh Oscar đã gác công việc kinh doanh nhà hàng để tập trung cho việc lắp ráp xe. Với trường hợp ở xa, chủ nhân chó, mèo có thể quay video, cung cấp số đo để anh lên bản vẽ thiết kế. “Mỗi con có cân nặng và mức độ liệt khác nhau, vì thế xe lăn cũng được thiết kế, tính toán thật kỹ sao cho chúng di chuyển thoải mái nhất” – anh giải thích.

Vừa nhìn anh chồng người Colombia tỉ mỉ lắp ráp xe lăn, chị Anh Thư vừa kể lại những trường hợp mèo, chó bị bỏ rơi, khuyết tật mà mình chứng kiến. Anh Thư cho biết chị đã bật khóc khi thấy những chú mèo, chó liệt cả 2 chân, vết thương lở loét hay toàn thân bị nhiễm trùng…

Từng nhiều lần bị mèo hoang, chó hoang cắn nhưng chị Anh Thư vẫn không nản lòng từ bỏ công việc này. Chị tin tưởng: “Mình chăm sóc chúng bằng cả tấm lòng chân thành thì cũng có lúc chúng hiểu được. Tuy không nói được nhưng mèo, chó hẳn cũng có cảm xúc. Việc mất đi đôi chân có lẽ là điều kinh khủng với chúng. Những chiếc xe lăn của chúng tôi tuy chưa hoàn hảo nhưng cũng góp phần giúp các chú chó, mèo khuyết tật có thể di chuyển, nhìn ngắm xung quanh”.

Anh Thư cho biết có lần, sau khi được tặng chiếc xe lăn tự chế, vợ chồng người chủ thú cưng ôm chị bật khóc. “Họ hạnh phúc vì thú cưng của mình đi lại được sau bao năm bại liệt. Khi ấy tôi cũng rất xúc động vì thấy bản thân đã làm được một điều có ích. Chiếc xe lăn không đáng giá bao nhiêu tiền nhưng tôi cảm thấy rất ấm lòng” – chị bộc bạch.

Vừa làm xe lăn, chân giả miễn phí cho chó, mèo bị bại liệt, vợ chồng anh Oscar – chị Anh Thư vừa kết hợp thêm kinh doanh xe lăn tự chế, sản xuất xe theo yêu cầu của khách. Nhiều chiếc xe lăn dành cho thú cưng của họ đã được xuất sang Mỹ, Canada…

Mỗi chiếc xe lăn mất khoảng 3 – 7 ngày để thiết kế và lắp ráp với giá dao động từ 2,5 – 6 triệu đồng. Số tiền lời được vợ chồng anh Oscar trích một phần gửi đến các trạm cứu hộ động vật ở TP HCM và làm kinh phí hỗ trợ chó, mèo bị bỏ rơi.

Không riêng gì mèo và cũng không riêng gì ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn, gần 40 năm qua, bà Huỳnh Tuyết Mai còn chăm sóc hàng ngàn con chim, sóc hoang mà bà bắt gặp ở bất kỳ đâu tại TP HCM.

Nhiều người biết chuyện đã chê trách bà Mai “rỗi hơi”, làm những việc không đâu; rằng số tiền mua thức ăn cho những con vật ấy sao không tích cóp để dưỡng già… Bà cười, thổ lộ: “Con cái tôi lớn cả rồi, chúng đã có cuộc sống gia đình riêng. Với tôi, cuộc đời con người quan trọng nhất là tinh thần. Tôi cảm thấy mình yêu đời hơn khi có “bầy con”, “bầy cháu” đặc biệt ấy”.

Anh Nguyễn Quốc Bảo cũng vậy, từng gặp không ít lời ra tiếng vào. Thế nhưng, càng ngày anh càng thương yêu những chú mèo, chó hoang mà mình mang về chăm sóc nhiều hơn. “Tôi chưa hình dung được một ngày thiếu vắng các bé, mình sẽ sống thế nào” – anh trải lòng.