Gửi đơn kêu cứu đến Báo Người Lao Động, bà Lê Hồng Đặng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng bất động sản Tiến Đạt (viết tắt Công ty Tiến Đạt; trụ sở 66/12 Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh, TP HCM), cho biết năm 2018, bà và ông Cao Văn Đạt (SN 1972, ngụ quận Bình Thạnh) mua lại thửa đất diện tích 1.531 m2 từ ông Nguyễn Đức Nhân, hiện trạng gồm một dãy nhà trọ riêng biệt và một căn nhà cột sắt, mái tôn đang là trụ sở Công ty Tiến Đạt. Tháng 11-2018, do thấy căn nhà xây dựng từ năm 1982 đã xuống cấp, bà Đặng và ông Đạt đã làm đơn xin sửa chữa, thay thế cột sắt bằng cột gỗ, không làm thay đổi kết cấu căn nhà và có giấy chứng nhận từ UBND phường 13, quận Bình Thạnh.

Bất ngờ bị phong tỏa, cưỡng chế

Ngày 16-1-2019, UBND phường 13 tiến hành kiểm tra, có biên bản ghi nhận việc chủ đầu tư đang thay nhà mái tôn thành cột gỗ, mái ngói. Tuy nhiên, đến ngày 3-7-2019, UBND quận Bình Thạnh ban hành quyết định xử phạt và cưỡng chế số 6007/QĐ-CCXP đối với công trình vi phạm.

“Thế nhưng, cá nhân chúng tôi và công ty không nhận được quyết định xử phạt và cưỡng chế từ UBND quận Bình Thạnh. Mãi đến ngày 19-7-2022, UBND quận Bình Thạnh đã có buổi tiếp xúc với chúng tôi để thông báo việc cưỡng chế. 

Tôi được biết Luật Xây dựng năm 2014 quy định các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng thì việc công ty chúng tôi cải tạo, sửa chữa công trình là không vi phạm. Chúng tôi có gửi đơn kiến nghị và hồ sơ liên quan cho UBND quận Bình Thạnh nhưng không được hướng dẫn về quyết định khiếu nại cưỡng chế và cụ thể ngày cưỡng chế công trình” – bà Đặng bức xúc. 

Cũng theo bà Đặng, ngày 20-7, khi công ty đang hoạt động bình thường, bất ngờ tổ công tác UBND quận Bình Thạnh (khoảng 100 người) đến phong tỏa, phá cửa xông vào bên trong tháo dỡ công trình, thu giữ nhiều tài sản, nữ trang và 100 triệu đồng trong ngăn kéo (tổng giá trị khoảng 20 tỉ đồng). 

“Tổ công tác cưỡng chế công trình nhưng không giao văn bản, không cho chúng tôi lấy lại tài sản cá nhân. Đến nay, chúng tôi vẫn chưa được thông báo đến nhận lại tài sản đang bị tạm giữ” – bà Đặng nói.

Ngoài ra, sau khi tiến hành cưỡng chế và niêm phong trụ sở Công ty Tiến Đạt, UBND quận Bình Thạnh đã ban hành Quyết định số 15416/QĐ-XPHC ngày 1-8-2022 xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Cao Văn Đạt với lý do chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị, diện tích đất 62,2 m2; vị trí và diện tích đất được xác định theo bản đồ hiện trạng do Công ty TNHH Đại Lộc Thịnh lập ngày 20-7-2022. Quyết định xử phạt ông Đạt số tiền 30 triệu đồng, buộc khôi phục lại tình trạng trước khi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hơn 17 triệu đồng.

Lùm xùm một vụ cưỡng chế ở quận Bình Thạnh - Ảnh 1.

Hình ảnh công trình sau khi tổ công tác UBND quận Bình Thạnh, TP HCM thực hiện cưỡng chếẢnh: Hưng Nguyên

Thanh tra TP HCM vào cuộc

Vì quá bức xúc, bà Đặng đã làm đơn kêu cứu và tố cáo gửi đến UBND TP HCM, Công an TP HCM, Thanh tra TP HCM, VKSND TP HCM, chủ tịch UBND quận Bình Thạnh…

Ngày 11-8, Thanh tra TP HCM đã mời bà Đặng lên làm việc để làm rõ đơn tố cáo gửi ngày 26-7. Tại buổi làm việc, bà Đặng cho rằng ông Hồ Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, là người trực tiếp chỉ đạo tổ công tác cưỡng chế và thu giữ tài sản không đúng quy định. 

Cụ thể, khi ông Hồ Phương ban hành quyết định cưỡng chế số 6007/QĐ-CCXP ngày 3-7-2019 đã không bàn giao cho bà, ông Đạt và Công ty Tiến Đạt; không hướng dẫn người dân gửi đơn khiếu nại việc cưỡng chế; né tránh việc thông tin ngày cưỡng chế trong quá trình đối thoại với dân; không thông báo đến Công ty Tiến Đạt kế hoạch cưỡng chế dẫn đến việc tài liệu, hóa đơn, chứng từ, tài sản, tiền bạc, nữ trang… bị thu giữ.

“Về việc UBND quận Bình Thạnh cho rằng tôi không liên quan đến công trình bị cưỡng chế thì tôi xin khẳng định ông Cao Văn Đạt đã làm giấy ủy quyền cho tôi toàn quyền xử lý mọi việc” – bà Đặng trình bày.

Bà Đặng đề nghị UBND TP HCM hủy bỏ quyết định cưỡng chế số 6007/QĐ-CCXP ngày 3-7-2019 và Quyết định số 15416/QĐ-XPHC ngày 1-8-2022 xử phạt hành chính ông Đạt lấn chiếm đất do ông Hồ Phương đã ký. Ngoài ra, bà Đặng cho rằng việc ban hành Quyết định 15416/QĐ-XPHC là không đúng thực tế do thời điểm này công ty đang bị niêm phong từ ngày 20-7 nên không thể lấn chiếm diện tích như trên.

Theo luật sư Cao Thế Luận (Đoàn Luật sư TP HCM), căn cứ theo quy định tại điều 9 Luật Khiếu nại 2011 quy định về thời hiệu khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, nếu bà Đặng cho rằng chưa nhận được Quyết định cưỡng chế số 6007/QĐ-CCXP ngày 3-7-2019 và Quyết định số 15416/QĐ-XPHC ngày 1-8-2022 thì có quyền khiếu nại trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày 20-7 (ngày tiến hành cưỡng chế) đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết lần đầu là chủ tịch UBND quận Bình Thạnh. Nếu không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại lần đầu, mà trên thực tế UBND quận Bình Thạnh đã tiến hành việc cưỡng chế thì bà vẫn có quyền khiếu nại lần 2 đến chủ tịch UBND TP HCM hoặc tiến hành việc khởi kiện hành chính tại TAND có thẩm quyền.

Ngoài ra, nếu trước khi tiến hành sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi kết cấu công trình, đã xin phép UBND phường và được chấp thuận thì việc tiến hành sửa chữa, cải tạo không thể xem là hành vi vi phạm (trừ trường hợp có thay đổi về kết cấu, tăng diện tích xây dựng hoặc có tháo dỡ, cơi nới công trình so với hiện trạng cũ). Việc tiến hành cưỡng chế toàn bộ công trình xây dựng của tổ công tác cần thận trọng xem xét, đánh giá toàn bộ chứng cứ, dữ liệu do các bên cung cấp trong quá trình Thanh tra thành phố giải quyết vụ việc.

UBND phường 13 nói gì?

Lãnh đạo UBND phường 13, quận Bình Thạnh khẳng định trước thời điểm cưỡng chế đã ra quyết định và gửi thông báo đến chủ công trình vi phạm. Thời điểm cưỡng chế, tổ công tác cũng lập biên bản và niêm phong các tài sản có giá trị bên trong Công ty Tiến Đạt.

“Hiện tại, số tài sản này vẫn đang được tạm giữ tại trụ sở Công ty Tiến Đạt và chính quyền địa phương phải cử người đến canh giữ rất vất vả. Địa phương nhiều lần mời chủ công trình đến nhận lại tài sản nhưng họ không đến. Theo quy định, qua 6 tháng mà chủ công trình không đến nhận, cơ quan chức năng có thể thanh lý những tài sản trong công trình vi phạm. Quá trình cưỡng chế, lực lượng chức năng có quay phim lại toàn bộ để làm bằng chứng. Chúng tôi làm đúng theo quy định pháp luật về vụ cưỡng chế và thu giữ tài sản công trình vi phạm” – đại diện lãnh đạo UBND phường 13 cho biết.