Vừa qua, Công an quận Gò Vấp (TP HCM) không khởi tố hình sự vụ bác sĩ Phạm Hữu Quốc, Giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp, bị tố đầu cơ khẩu trang ra nước ngoài kiếm hàng tỉ đồng trong mùa dịch. Theo đó, quá trình điều tra, công an nhận thấy hành vi của ông Quốc không có dấu hiệu của tội phạm đầu cơ được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 nên không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. 

Điều 196 BLHS 2015 được sửa đổi bổ sung 2017 (Bộ Luật Hình sự đang có hiệu lực tại thời điểm này) thì “đầu cơ” được hiểu là người lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính.

Căn cứ theo đó, hiện nay muốn xử lý hình sự hành vi đầu cơ đối với mặt hàng khẩu trang y tế thì trong danh mục hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì mới có cơ sở xử lý hình sự.

Mặt khác, theo quy định tại Nghị định số 177/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá thì mặt hàng khẩu trang y tế tại thời điểm hiện nay chưa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hay Nhà nước định giá. Do đó, dù dấu hiệu “đầu cơ” mặt hàng khẩu trang y tế đã tương đối rõ và giá trị cực lớn nhưng không thể xử lý hình sự được.

Luật sư phân tích vì sao không khởi tố giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp tội đầu cơ - Ảnh 1.

Giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp bị tố “đầu cơ” khẩu trang trong mùa dịch

Liên quan đến vấn đề này, trước đây, theo quy định tại điều 160 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì Nhà nước không quy định chủng loại loại hàng hoá nên hành vi đầu cơ với bất kỳ mặt hàng nào (lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa có số lượng lớn nhằm bán lại thu lợi bất chính) là đủ cơ sở để khởi tố hình sự. Tuy nhiên, do cơ chế mở cửa thị trường giảm điều phối của Nhà nước trong các lĩnh vực nên nhà làm luật đã thêm vào BLHS 2015 được sửa đổi 2017 nội dung “thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá” thì mới đủ cơ sở khởi tố hình sự về tội danh này.

Về quy trình đưa một mặt hàng vào danh mục bình ổn giá, căn cứ quy định pháp luật hiện hành (Điều 15 Luật Giá 2012; Điều 3 Nghị định số 177/2013/NĐ-CP), trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật Giá, trên cơ sở đề nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ (gọi tắt là Bộ), UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương (gọi tắt là UBND tỉnh), Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Do đó, trên thực tế để đưa một mặt hàng vào danh mục bình ổn giá, Bộ Y tế phải rà soát, đánh giá, báo cáo số lượng sản phẩm khẩu trang y tế, khả năng cung ứng, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước và có những đề xuất cụ thể lên Chính phủ. 

Bên cạnh đó, căn cứ Điều 61 Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp thường kỳ mỗi tháng một phiên, đặc biệt khi cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp theo quyết định của Chủ tịch Quốc hội hoặc khi có đề nghị của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hay của ít nhất một phần ba tổng số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đó các UBND tỉnh/TP và/hoặc Bộ Y tế/Tài chính cần tham mưu Thủ tướng đề xuất đưa ngay nội dung này vào kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần kế tiếp thậm chí họp bất thường để ngay lập tức đưa mặt hàng này vào danh mục bình ổn giá làm cơ sở điều tiết giá bán cũng như tạo hành lang pháp lý xử lý các cá nhân có hành vi đầu cơ mặt hàng thiết yếu trong mùa dịch này.

 Về hành vi của giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp, tùy thuộc vào Kết luận điều tra của cơ quan công an làm rõ có hay không dấu hiệu đầu cơ hoặc hàng hóa khẩu trang là thật hay giả thì sẽ có mức xử lý tương ứng.

Nếu số khẩu trang mà bác sĩ Phạm Hữu Quốc giao cho người mua là giả và có căn cứ xác định bác sĩ Quốc biết đây là hàng giả mà vẫn bán cho người mua thì sẽ bị xem xét xử lý hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và/hoặc tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.