Chỉ trong 6 ngày, từ 29 tháng chạp đến mùng 5 Tết vừa qua, cả nước đã có 2.838 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, chiếm 2% trong tổng số ca cấp cứu của các bệnh viện. 39% trong số đó với 1.245 ca phải nhập viện điều trị, theo dõi và đã có 195 trường hợp tử vong. Những con số thống kê này gây nhức nhối trong mỗi gia đình và xã hội, không còn là chuyện riêng ở địa phương nào.

Những điều nghịch lý

Nhiều nguyên nhân dẫn đến thói hung hãn, côn đồ, trong đó có lỗi thiếu sự nêu gương từ người lớn. Dễ thấy cảnh người lớn tụ tập uống rượu say rồi mất kiểm soát hành vi, nói tục, chửi thề, tranh giành, đánh nhau…

Có những điều nghịch lý nhưng diễn ra trong thực tế, ít được quan tâm chấn chỉnh. Người giỏi lòe bịp, “khua môi múa mép”, khoe quan hệ quyền lực, làm được gì đó mà không cần tuân thủ quy định pháp luật thì có khi được cho là “bặt thiệp”, “khôn ngoan”. Trái lại, người giản dị chân chất, ăn ngay nói thẳng thì bị chê là quê mùa, ngớ ngẩn, thậm chí vô dụng.

Nhiều người khi cần giải quyết thủ tục, giấy tờ, nhà đất, xây dựng… đã tìm đến các mối quan hệ thân quen hoặc người có chức quyền để nhờ lo liệu, thay vì làm theo quy định. Nếu chịu khó quan sát, có thể sự bất công trong cuộc sống cũng làm cho một số người khó chịu, lâu dần họ trở nên nóng tính với những chuyện tưởng chừng đơn giản, cỏn con.

Một khi cái sai được ủng hộ sẽ xuất hiện tâm lý hoài nghi, không tin vào lẽ phải, sự nghiêm minh của pháp luật. Từ đó, dẫn đến suy nghĩ nhịn nhục là thua thiệt, thành ra thiếu kiềm chế, nóng tính dẫn đến hành xử bạo lực, hung hãn.

Khi xảy ra ẩu đả, nhiều lúc lực lượng chức năng đến hiện trường chậm, nhiều vụ việc chỉ xử lý hành chính hoặc nhắc nhở rút kinh nghiệm. Ngoài ra, pháp luật vẫn còn kẽ hở, điển hình là tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác” không đưa thêm yếu tố người vi phạm đã bị xử phạt hành chính vẫn tiếp tục thực hiện hành vi thì sẽ bị xử lý hình sự. Điều này dẫn đến việc người vi phạm có tính chất thường xuyên, nhiều lần nhưng chưa dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì khó xử lý hình sự nên không đủ sức răn đe.

Một người nếu được giáo dục chân, thiện, mỹ thì tính tình sẽ hướng thiện. Ngược lại, họ sẽ trở nên cộc cằn, thể hiện qua cách ứng xử, lời nói, hành động. Lỗi có thể một phần do nền giáo dục chưa chú trọng dạy học làm người, yêu thương con người. Bên cạnh đó, một số phụ huynh thờ ơ trong việc dạy bảo con mình, phó thác cho nhà trường.

Lo sợ thói côn đồ lộng hành: Siết quy định pháp luật, tăng cường giáo dục - Ảnh 1.

Các đối tượng liên quan vụ hỗn chiến gây náo loạn tại một quán ăn đêm tại thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa tối 8-2 Ảnh: Tuấn Minh

Sự nêu gương rất cần thiết

Ở gia đình đứa trẻ được sinh ra, cha mẹ là người thầy đầu tiên. Tính cách những đứa con sẽ ảnh hưởng bởi lối sống của cha mẹ. Ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đạo đức của cấp dưới có thể bị ảnh hưởng bởi lãnh đạo, người đứng đầu. Vì vậy, cha mẹ sống mẫu mực để con noi theo, hướng thiện; lãnh đạo, người đứng đầu nêu gương tốt sẽ có nhân viên tốt, từ đó văn hóa và đạo đức xã hội cũng tốt lên.

Thói hành xử bạo lực, côn đồ không thể xóa bỏ ngay nhưng có thể hạn chế hoặc đẩy lùi nếu được sự quan tâm, hợp tác từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Thứ nhất, người lớn nêu gương không làm việc xấu, một tấm gương hơn ngàn lời nói suông. Phụ huynh quan tâm và định hướng cho con hướng thiện, làm điều hay lẽ phải. Tại các cơ quan, đơn vị, để nâng cao đạo đức cho cán bộ, nhân viên, lãnh đạo và người đứng đầu phải nêu gương, sống trung thực, nói đi đôi với làm.

Thứ hai, địa phương – bắt đầu từ tổ dân phố – chú ý các đối tượng có lối sống tiêu cực để quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống, kịp ngăn chặn cái xấu, cái ác.

Thứ ba, trong tổ chức các lễ hội, nên đề cao tình yêu thương con người, đạo đức, nhân nghĩa, nhường nhịn, hòa nhã với nhau, luôn tin và tuân thủ pháp luật.

Thứ tư, nhà trường giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống trong cuộc sống, ứng xử có văn hóa; giáo dục học sinh quý trọng sức khỏe của bản thân và mọi người.

Thứ năm, xây dựng khung hình phạt tăng nặng với các vụ bạo lực, côn đồ để đủ sức răn đe. Khi xảy ra vụ việc, không để thành chuyện đã rồi và “dĩ hòa vi quý” mà cơ quan chức năng cần phải vào cuộc xử lý, áp dụng hình phạt thích đáng.

Phòng đi kèm với chống

Để hạn chế tình trạng hành xử côn đồ, bạo lực, lực lượng chức năng cần tăng cường rà soát, nắm chắc địa bàn, đấu tranh, trấn áp tội phạm nhanh, hiệu quả, không để lọt người, sót tội. Với những kẻ dùng hung khí, phạm tội nhiều lần gây nguy hiểm sức khỏe và tính mạng người khác, cần có biện pháp chế tài, phạt tù nghiêm. Với các đối tượng tội phạm gây hậu quả nghiêm trọng, không thể chỉ phạt hành chính mà cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự mới đủ sức răn đe.

Cần sớm xem xét điều chỉnh, bổ sung tăng nặng mức xử phạt với các loại tội phạm manh động, có tính chất côn đồ. Ngoài ra, lắp đặt thêm nhiều hệ thống camera an ninh, nhất là ở những địa bàn “nóng”. Các sự việc đã được cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý, cần được phổ biến rộng rãi để răn đe. Một bộ phận người dân còn hạn chế trong hiểu biết xã hội và nhận thức pháp luật, cần quan tâm tăng cường tuyên truyền các quy định pháp luật.

Cái xấu, cái ác không phải ngày một, ngày hai nảy nở. Mầm mống côn đồ sẽ trỗi dậy khi được dung túng, không được ngăn chặn, triệt tiêu kịp thời. Cần có biện pháp quản lý, giáo dục để định hình lối sống lành mạnh, nhận thức đúng đắn, giúp các bạn trẻ có bản lĩnh vững vàng, không bị cuốn vào những thói hư tật xấu theo phong trào, rủ rê của bạn bè hay ảnh hưởng của phim ảnh “đen”.

Nguyễn Thu Hà