Là đầu tàu kinh tế của cả nước, sự phát triển và tăng trưởng của TP HCM có ý nghĩa vô cùng to lớn. Mô hình liên kết vùng mà TP HCM cần hướng tới chính là liên kết đa biên, đa phương thức, kết nối hạ tầng và có phân chia trách nhiệm của các địa phương trong vùng với nhau. Từ đó hình thành các vòng kinh tế tuần hoàn, kết nối đẩy mạnh khai thác thương hiệu ra thế giới, cùng nhau phát triển.

Kết cấu hạ tầng thiếu liên kết, chưa đồng bộ

Phải thẳng thắn thừa nhận nguyên nhân dẫn đến những hạn chế về hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ nói chung, TP HCM nói riêng là do công tác lập quy hoạch thiếu tính liên kết, chưa đồng bộ giữa các chuyên ngành; kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giữa các địa phương chưa đồng bộ, chưa chú trọng đến kết nối vùng, liên vùng; thiếu các cơ chế, chính sách đột phá trong huy động nguồn lực và nguồn lực đầu tư cho kết cấu giao thông…

Việc liên kết vùng thiếu các giá đỡ về hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông kết nối, cũng như các đô thị vệ tinh và cực tăng trưởng hỗ trợ khiến nhà đầu tư vào TP HCM và khu vực Đông Nam Bộ vẫn phải chịu các chi phí cao về logistics, mặt bằng, chiếm từ 30%-40% giá thành sản phẩm, trong khi tỉ lệ này ở các đô thị trong khu vực chỉ vào khoảng 15%. Liên kết vùng thiếu bền vững cũng đã và đang kéo giảm khả năng cạnh tranh thu hút đầu tư và xuất khẩu hàng hóa ngay tại khu vực này.

Liên kết vùng là động lực thúc đẩy tăng trưởng - Ảnh 1.

Liên kết vùng tốt cũng sẽ giúp TP HCM giảm tình trạng kẹt xe và ngập nước. Ảnh: LÊ VĨNH

TP HCM lớn nhưng cảng trung chuyển quốc tế bằng đường biển lớn nhất vùng nằm ở Bà Rịa – Vũng Tàu, sân bay lớn nhất nằm ở Đồng Nai (sân bay Long Thành)… TP HCM không sở hữu hạ tầng lớn đó nhưng hoàn toàn có thể tác động và tận dụng các hạ tầng kể trên để phát triển nếu có kết nối tốt.

Bứt phá khỏi cách làm cũ

  • Lãnh đạo 4 tỉnh Đông Nam Bộ “ngồi lại” gỡ khó dự án liên kết vùng

  • LẮNG NGHE NGƯỜI DÂN HIẾN KẾ: Đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển nhà ở xã hội

  • Phát triển du lịch liên kết vùng

Trước đây khi kinh tế chưa phát triển, TP HCM cần có cảng Sài Gòn nhưng đến nay đã có cảng Cái Mép – Thị Vải ở Bà Rịa – Vũng Tàu rồi thì nên cân nhắc lại, đôi khi cần buông về cho các địa phương. Tương tự, việc quy hoạch đô thị cũng phải nhìn rộng hơn, nếu chỉ cần 1-2 cây cầu bắc qua huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai thì dân TP HCM về sống ở đây sẽ tốt hơn nhiều so với Nhà Bè, nơi vùng đất yếu.

Thực tế lâu nay cho thấy việc TP HCM “ôm đồm” quá nhiều chức năng, chưa phân bổ hợp lý cho các địa phương lân cận, đã và đang đẩy mình vào thế khó trong quy hoạch. Cho nên, muốn đưa TP HCM trở thành một siêu đô thị như kỳ vọng, đòi hỏi bản thân thành phố phải tự bứt ra khỏi cách làm cũ. 

Cần sự kết nối hợp lý, phân bổ, thực hiện đồng bộ, phối hợp, bổ trợ, bổ sung cho nhau. Qua đó đặt quy hoạch chung TP HCM trong tổng thể để có các kế hoạch, chiến lược, giải pháp, định hướng phát triển đồng bộ, hiệu quả, khả thi cho thành phố và các tỉnh trong vùng.

Thành phố cần nhìn thẳng vào những hạn chế để điều chỉnh hướng phát triển cho đúng, từ đó mới giải quyết được những hạn chế hiện nay. Trong đó, trước mắt phải tập trung giải quyết ngay bài toán giao thông và ngập nước. 

Phải tạo dựng được hệ thống hạ tầng đô thị có tính đột phá, bổ sung tầm nhìn mới trong thời gian tới, vừa phải đáp ứng cuộc sống người dân, doanh nghiệp vừa phải đáp ứng các nhu cầu, định hướng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

Thành phố phải quyết tâm khép kín đường Vành đai 2, Vành đai 3 và Vành đai 4 để kết nối toàn vùng. Cùng với đó, TP HCM cần đầu tư xây dựng các đường xuyên tâm, đường sắt. Song song đó, các tuyến quy hoạch chưa được xây dựng như Thủ Dầu Một – Chơn Thành, Biên Hòa – Vũng Tàu, Bến Lức – Long Thành… cũng phải xác định được thời điểm có thể hoàn thành và đi vào vận hành. Nếu TP HCM liên kết vùng tốt với Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Vũng Tàu… thì tình trạng kẹt xe, ngập nước sẽ được giải tỏa.

Cần giải pháp quy hoạch tối ưu

TP HCM đã có rất nhiều chương trình quy hoạch để cải thiện đô thị nhưng vẫn chưa có mô hình tối ưu. Một thành phố sống tốt không thể để tình trạng ngập lụt, kẹt xe xảy ra thường xuyên.

Liên kết vùng phải theo hướng kinh tế tri thức và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy sự năng động của các khu công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới.

Vì vậy, cần phải có giải pháp quy hoạch xuất sắc, đặc biệt là phải có một nền tảng tốt và bền vững. Nhất là việc bảo lưu và gìn giữ các giá trị văn hóa trong quá trình phát triển đô thị ở TP HCM.