Chuyện kể về tấm chiếu hoa chứa ngập tràn ký ức, đó là lúc này đây, khi ngoài kia mùa xuân đang gõ cửa. Tôi rưng rưng lòng nhớ quê, nhớ Tết. Là khi tôi được trở về trong tâm thức để ngược dòng thời gian, quay về vẽ thêm lên bức tranh ký ức một mảng màu thương nhớ. Trở lại, ngồi lặng yên bên hiên nhà và nghe những giọt ký ức nhảy tí tách trong mưa xuân vừa đủ thấm vào chiếc áo len mỏng nhẹ. Và dẫu thời tiết giao mùa khắc nghiệt đến bao nhiêu thì chính những thời khắc mưa xuân ấy đã mang lại nhiều hơn màu xanh cho vạt rau sau vườn nhà mẹ trồng.

Lặng thầm thương Tết - Ảnh 1.

Khi những buồng chuối cau trong vườn đủ độ già cũng là ngày mẹ thu hoạch và chuẩn bị cho phiên chợ Tết cuối năm cùng với các loại rau cải cay, hành lá, ngò thơm, củ kiệu… mướt xanh. Mấy chị em tôi hóng Tết từ những buổi chợ tan để đợi mẹ về, để rồi reo vui khi mẹ mang về những thức quà tuổi thơ với dăm gói kẹo chanh được gói giấy kiểng đủ sắc cầu vồng, mấy chiếc áo mới cho chúng tôi tung tẩy với bạn bè chòm xóm. Vui nhất và mừng nhất là mẹ mua thêm hai chiếc chiếu hoa bằng số tiền bà đã chắt chiu, dành dụm.

Cha tôi vẫn dành tấm chiếu hoa hình chữ nhật với hoa văn chữ Phúc, đặt giữa gian thờ. Tôi đặc biệt ấn tượng với hoa văn được những bàn tay tài hoa đã dệt nên tấm chiếu hoa bằng sợi lác đều tăm tắp. Những hoa văn trên tấm chiếu được trang trí một cách tỉ mẩn, thường là hoa hồng màu đỏ đậm bốn góc chiếu, ở giữa tấm chiếu thường là các chữ Phúc, Lộc, Thọ… Mẹ tôi thường chọn tấm chiếu có chữ Thọ để mang về dưới nhà ông bà nội để ông nội dùng trong ba bữa Tết. Còn của nhà tôi, mẹ chọn chữ Phúc. Mẹ nói Phúc là điều mà ai ai cũng mong muốn, phúc là phúc đức, là nghĩa tình. Mẹ không cầu mong giàu có tài lộc gì nhiều, chỉ mong sống sao để lại phúc đức cho cháu con sau này đỡ khổ.

Lễ Tết dẫu có đơn sơ, đạm

bạc thì vẫn quá đỗi thiêng liêng và đầm ấm khi nhìn những thức đồ cha, mẹ tôi chuẩn bị cho Tết. Cha vẫn giữ nếp nhà cùng những nghi lễ tộc họ của một người con hiếu thảo, tận tâm, tận lực vì gia đình. Tấm chiếu hoa còn lại với hình hoa hồng bốn góc, mẹ dùng để trải ngoài hiên nhà, nơi anh em ruột rà, con cháu quây quần bên bữa cơm tất niên chiều cuối năm trong bình an và đầm ấm. Dẫu trong đôi mắt cha lúc ấy, ngày ấy, còn đau đáu nhiều nỗi lo toan cho chị em tôi được học hành, được đi đến một chân trời mới để thỏa ước mơ đi xa con đường làng, mái rạ, đồng khô… nhọc nhằn.

Những ngày thơ bé, tôi cứ ước mình mãi là cô bé tóc cháy sém vì nắng, ngập ngụa trong một tuổi thơ với những đêm trăng dịu mát cùng tấm chiếu hoa trải trước hiên sân. Chị tôi vẫn chọn chỗ góc sân đầy ánh trăng để trải chiếc chiếu hoa lên, rồi để tôi ngồi ở đó. Từ vị trí trải tấm chiếu hoa đó, tôi tùy thích vẫy vùng trong khoảnh trời riêng bé nhỏ – nơi mà cha, mẹ, chị tôi có thể quan sát và nhìn tôi rõ nhất. Đó là những mùa hè đổ lửa, nắng thiêu đốt cả ngày, để đến nửa đêm, trời bắt đầu dịu lại, lúc đó, cả nhà tôi bắt đầu thức muộn để thu hoạch đậu phộng, khoai, sắn. Và khoảng sân cũng là nơi cha mẹ tôi thường đón những vị khách đặc biệt của gia đình – những chú bộ đội trên đường hành quân ra Bắc ghé ngang nhà, vội vàng với bữa cơm đạm bạc, uống nước chè xanh, múc vội mấy gàu nước mát ở giếng, rửa vội gương mặt rồi vội vã rời đi trước khi trời tảng sáng. Trong dòng ký ức ngọt hồi sinh, tôi không thể quên hình ảnh cả những con búp bê có đôi mắt biết nhắm lại khi đặt nằm xuống chiếu mà các chú bộ đội đã cho tôi mượn chơi trong chốc lát. Mãi sau này, đó là ký ức đẹp và trở thành một thế giới đầy bí ẩn trong tôi từ ngày thơ bé đến tận bây giờ.

Và tuổi thơ tôi gắn bó với tấm chiếu hoa ấy, cả trong giấc mơ xa ngái, nhớ cả khi xưa tôi bị cha mẹ mắng vì nghịch dại sau mấy hố bom ở đồng Mù O mùa đông lạnh cóng… Ở đó, có khóc cười, hờn giận và đầy lòng biết ơn. Cái dải đất bạc màu mưa nắng, bão gió, đói nghèo. Cái dải đất mà ruộng vườn ít khi được tái sinh phù sa, cứ bạc màu mãi với phèn chua, cát mặn. Rồi khô khốc những mùa gió Lào thổi bạc trắng bụi đất lấm lem hết tấm áo cũ sờn bạc của cha tôi, bác tôi, chú tôi và mẹ, chị tôi. Mảnh đất nhắc nhớ bao người bởi sự kham khó và tình người cùng sự can trường, dũng cảm để biết vượt lên, biết tự hoàn thiện mình để bước ra thế giới rộng dài. Mảnh đất mà đã có không ít người khi dứt áo ra đi tìm một miền đất khác để mưu sinh lại nhớ da diết những tháng năm rét cắt thịt da, nắng cháy hết ruộng đồng và rồi hình ảnh chiếc áo tơi được làm bằng lá tro hay còn gọi là lá cọ trở thành một miền ký ức đẹp và buồn diệu vợi. Và nhớ mùa xuân bà con chòm xóm vẫn giữ được nét đẹp đầu năm khi cùng nhau đi thăm nhà chòm xóm. Chúc gia đình nhau những lời tốt đẹp, yên ấm đầu năm.

Ký ức không quay trở lại nhưng sẽ là điểm tựa để con người ta vững vàng bước lên phía trước. Nhiều người, bằng cách này hay cách khác, chối bỏ quê hương, đổi dáng đổi hình, đổi luôn giọng nói. Cũng có người trân quý từng chút một với quê hương, với niềm tự hào mà đôi khi cứ muốn được gào thét, muốn cho cả thế giới biết đến. Nhưng, ở những khoảng lặng vô cùng trong đời sống này, vẻ đẹp và niềm tự hào ấy, hẳn đã kịp dừng lại trong những thổn thức vô bờ của mỗi người mang trái tim mẫn cảm trước mùa xuân đầy lộc mới. Nơi mà mọi bí mật dẫu được con người cố cất giấu nhiều nhất, lại thường bị lộ ra, từng mảnh, rõ mồn một.

Lặng thầm thương Tết! Là khi trái tim mỗi người nhận ra khoảng không gian mềm mại trước một buổi chiều xuân với đầy nắng ấm! Có sinh ra trong nghèo khó mới biết quý hơn một ký ức đẹp và buồn, một tuổi thơ khó có thể có một khoảng trời nào thay thế được. Dẫu khi lớn lên, ta nhìn về quê với thái độ biết ơn hay hờn dỗi thì vẫn phải cúi đầu tạ ơn. Dù cái cúi đầu, với nhiều người, rất khó để nói ra bằng lời.

Ký ức không quay trở lại nhưng sẽ là điểm tựa để con người vững vàng bước lên phía trước.