Đầu năm 2023, câu chuyện các doanh nghiệp bất động sản than trời vì không bán được sản phẩm, thiếu tiền mặt, âm dòng tiền có thể dẫn đến tình trạng “chết trên đống tài sản” đang nóng trên khắp các phương tiện truyền thông. Gỡ nút thắt này bằng việc kết hợp để đẩy nguồn cung căn hộ, song song với ưu tiên vốn tín dụng để phát triển nhà ở xã hội cũng là một giải pháp khả thi.

Đòn bẩy kích thích dòng chảy kinh tế

Theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021- 2030 của Bộ Xây dựng, dự báo nhu cầu về nhà ở sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại khu vực đô thị. Tỉ lệ dân số đô thị hiện khoảng 40% và sẽ tăng lên khoảng 45% vào năm 2030.

Với tốc độ tăng dân số và nhu cầu nhà ở hiện tại, mỗi năm phải tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị. Những thành phố lớn có sức hút dân số cao, đòi hỏi gia tăng nhanh diện tích nhà ở đô thị như TP HCM hay Hà Nội sẽ chiếm trên 50% diện tích đất đô thị của cả nước và 75% tăng trưởng không gian đô thị, với khoảng 2/3 lượng nhu cầu nhà ở hằng năm.

Trong bối cảnh thị trường trầm lắng hiện nay, việc phát triển nhà ở xã hội vừa là để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của đối tượng chính sách vừa là đòn bẩy kích thích dòng chảy kinh tế, hoạt động của 38 ngành nghề khác có liên quan đến thị trường bất động sản.

Muốn “phá băng” thị trường bất động sản, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp của nhiều bên là nhà nước, doanh nghiệp và cả người dân. Trong đó, bản thân các doanh nghiệp phải chủ động tái cấu trúc thị trường, chọn phân khúc đầu tư đáp ứng được nhu cầu thực sự của người dân với giá bán phù hợp.

Nhà ở xã hội chính là phân khúc có tiềm năng khai thác rất lớn nhưng đang thiếu nguồn cung ứng, thiếu nhà đầu tư mạnh tay với những dự án lớn. Chính “trong cái khó thì phải ló cái khôn”, doanh nghiệp hãy tự cứu mình bằng những dự án và sản phẩm nhà ở xã hội như là một hướng đi mới, giải pháp mới hoàn toàn phù hợp, đúng đắn gỡ khó cho bản thân và góp phần tạo ra giá trị cho xã hội.

Lắng nghe người dân hiến kế: Cơ hội mới cho nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Doanh nghiệp hãy tự cứu mình bằng những dự án và sản phẩm nhà ở xã hội như là một hướng đi mới, giải pháp mới Ảnh: Tấn Thạnh

Tái cơ cấu sản phẩm nhà ở

Nếu như nhận định 2022 là năm “khó khăn khắc nghiệt nhất”, 2023 là năm “quyết định sống còn” đối với các doanh nghiệp bất động sản thì việc phát triển nhà ở xã hội cũng đang ở giai đoạn quan trọng, có tính tiên quyết đến mục tiêu 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân, người thu nhập thấp.

Thực trạng đang diễn ra là nguồn cung nhà ở không hợp lý, dư thừa các phân khúc cao cấp nhưng lại thiếu các sản phẩm phục vụ nhu cầu của người dân như nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Phân khúc nhà ở xã hội vẫn chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức, giá trị của mảng nhà ở xã hội là vừa có tiếng vừa có miếng vẫn chưa được khai thác triệt để. Thành phố cần phải tận dụng thời điểm cùng nhau gỡ khó này để tái cơ cấu sản phẩm nhà ở.

Việc kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới nếu có tài sản bảo đảm để vượt qua thời điểm khó khăn trong năm 2023 là điều dễ hiểu khi đòn bẩy thanh khoản gây sức ép càng lớn.

Song nói đi thì phải nhìn lại, lúc các doanh nghiệp ăn nên làm ra, kiếm lời hàng ngàn tỉ đồng thì trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong phát triển nhà ở xã hội đã đầy đủ chưa? Thế nên, doanh nghiệp muốn được cứu thì chính bản thân họ cũng phải có cam kết, có trách nhiệm góp phần giúp thành phố thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội, hài hòa lợi ích chung.

Trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội thời gian qua đã xây dựng 2 chính sách hỗ trợ cho nhà ở xã hội gồm: Hỗ trợ cá nhân vay ưu đãi, đến hết tháng 10-2022, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân được 3.017 tỉ đồng cho 8.379 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40.000 tỉ đồng thông qua hệ thống ngân hàng thương mại để cho vay với các lĩnh vực cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân.

Tuy nhiên, đến nay chưa có dự án nào được vay vốn từ chương trình phục hồi, vì các doanh nghiệp khó khăn khi tiếp cận. Ngoài ra, giá bán bị khống chế, lãi vay (nếu có) và lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư.

Giải phóng nguồn vốn bị tắc nghẽn, giảm chi phí đầu vào, cắt bớt thủ tục rườm rà đối với các gói tín dụng cho người dân trong việc mua nhà ở xã hội… sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư và người dân có nhu cầu dễ dàng tiếp cận nhà ở xã hội.

Các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính để góp phần phát triển nhà ở xã hội.