Cải thiện môi trường đầu tư, tạo “làn gió mới’’ thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào địa phương được lãnh đạo TP HCM quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc thường xuyên. Tuy nhiên, trước sự thay đổi của bối cảnh nền kinh tế – chính trị thế giới, việc thành phố chọn lọc các nguồn vốn FDI để phát triển kinh tế cần có những nhìn nhận, thay đổi theo hướng phù hợp.

Chính sách riêng

FDI là nguồn vốn quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy chuyển giao khoa học – công nghệ, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo công ăn việc làm… Để có nhà đầu tư tốt, cần có tiêu chí rõ ràng, cụ thể.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ về việc xây dựng bộ tiêu chí để chọn lọc nhà đầu tư FDI trong thời gian tới, gồm: Suất vốn đầu tư/ha đất, số lao động tại mỗi dự án đầu tư, hàm lượng công nghệ cao của dự án, cam kết chuyển giao công nghệ của nhà đầu tư, khả năng liên kết với khu vực doanh nghiệp trong nước, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng – an ninh.

Riêng đối với TP HCM, ngoài căn cứ vào bộ tiêu chí như của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ nhằm thu hút vốn FDI thì việc thành phố cần hoạch định cho mình những chính sách riêng, phù hợp với từng cấp độ khác nhau, định hướng thu hút đầu tư FDI theo vùng, dựa trên thế mạnh các địa phương trong thời gian tới sao cho hiệu quả là cần thiết. Tuy nhiên, không chỉ dành những ưu đãi cho doanh nghiệp (DN) có vốn FDI, đối với DN trong nước phải có sự công bằng, nhất là các DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.

LẮNG NGHE NGƯỜI DÂN HIẾN KẾ: Cách tiếp cận vốn FDI hiệu quả - Ảnh 1.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ chọn TP HCM làm điểm đến nếu biết phát huy sức mạnh, lợi thế của riêng mình Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ngoài các khu công nghệ cao được xác định là cụm tăng năng lực cạnh tranh thông qua việc phát triển phần mềm và sản xuất có giá trị gia tăng cao, thành phố cần phát triển các cụm khác để tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài với từng quy mô phù hợp.

Bên cạnh đó, thành phố cần ưu đãi đối với DN nước ngoài có sự chuyển giao công nghệ cao trong thời gian nhất định. Đồng thời, phát huy hiệu quả vượt trội của công nghệ được sử dụng tại các DN FDI nhằm hỗ trợ, lan tỏa cho những DN trong nước tham gia xây dựng các chuỗi cụm kinh tế. Đặc biệt, để phát triển công nghiệp trong nước, TP HCM nên yêu cầu nội địa hóa các trang thiết bị công nghiệp phục vụ sản xuất.

Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (HEPZA), nói tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 thì từ năm 2016 đến nay, quỹ đất công nghiệp của thành phố ngày càng hạn chế. Hiện nay, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất chỉ còn khoảng 300 ha đất có thể cho thuê, khai thác được. Trong khi quy hoạch của thành phố có 5.800 ha đất công nghiệp. Vì vậy, thành phố cần có chính sách phát huy tối đa, sử dụng hiệu quả nhất có thể đối với đất đai trong các dự án đã quy hoạch/đất vào các dự án nhằm bảo vệ và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên đất trong xu hướng công nghiệp hóa.

Giao quyền và tránh cào bằng

Hiện tượng báo lỗ, lỗ lũy kế, lỗ mất vốn để chuyển giá, thậm chí trốn thuế, đối với các DN FDI là có. Điều này gây thất thoát, thiệt hại nguồn ngân sách cho thành phố nói riêng, cả nước nói chung. Đồng thời, chính những hiện tượng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại nặng nề cho DN trong nước.

Cho nên, thành phố cần giao quyền cho các cơ quan chức năng có những phương án cụ thể, sát sao kiểm tra, giám sát từng DN FDI để xem xét vì sao doanh thu và lợi nhuận trước thuế vẫn có, có sự tăng trưởng qua các năm, mở rộng đầu tư nhưng vẫn báo lỗ, lỗ lũy kế, lỗ mất vốn, không có dấu hiệu tích cực hồi phục… Nếu phát hiện sai phạm thì xử lý nghiêm, thậm chí không cho phép họ tiếp tục mở rộng đầu tư tại thành phố nữa.

Theo giới nghiên cứu, DN FDI muốn hưởng ưu đãi về thuế, đất đai để xây dựng nhà xưởng… nên phải tìm cửa để chen chân vào. Cho nên, để hướng tới FDI lành mạnh thì cần “bịt lỗ hổng” bằng chính sách, siết chặt quản lý FDI bằng công cụ pháp luật, thực hiện quyết liệt mục tiêu trở thành thành phố thông minh, nhân lực quản lý có trình độ chuyên môn, minh bạch…

Những chính sách ưu đãi không nên cào bằng, chỉ ưu đãi đối với DN FDI có công nghệ cao và cam kết chuyển giao công nghệ trong thời gian nhất định. Làm như vậy sẽ giúp tỉ lệ nội địa hóa của các DN FDI đang hoạt động tại thành phố nói riêng, Việt Nam nói chung sẽ tăng lên.

Ngoài ra, lưu ý không đánh đổi nguồn FDI mà bỏ qua yếu tố môi trường. Theo giới chuyên môn, hiện nay Việt Nam nói chung không thừa lao động, vốn không quá thiếu nhưng đất đai phát triển công nghiệp ngày càng hẹp lại, các vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như tiêu hao nhiều năng lượng nổi lên. Vì vậy, thành phố phải có tiêu chí chọn lọc đầu tư FDI không bỏ qua yếu tố môi trường sinh thái, tránh việc lợi có một mà hại thì dài lâu bởi môi trường bị tàn phá.

Để thẩm định các dự án đầu tư FDI, trước khi cấp phép, các cơ quan quản lý đầu tư cần thuê những tổ chức trung gian có chuyên môn bên ngoài, các công ty luật có uy tín để tư vấn, hỗ trợ thẩm định, đánh giá công nghệ, hiệu quả từng dự án, thậm chí từng công đoạn thực hiện dự án.

Mời gửi bài dự thi

Cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế” lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì, phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?

Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; bài chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.

Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng, 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.

Cuộc thi nhận bài đến ngày 28-7-2022.