Dư luận rất quan tâm đến thông tin Công an huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đang củng cố hồ sơ để khởi tố vụ cưa hạ 565 cây cà phê ở xã Hòa Nam, huyện Di Linh, bởi đây là 1 trong nhiều vụ chặt hạ cây nông nghiệp trong thời gian vừa qua, đã được nhanh chóng khởi tố.

Tình trạng “lâm tặc” miệt vườn lộng hành trong thời gian gần đây, chỉ cần điểm một số vụ điển hình mà báo chí nêu, cũng thấy lo lắng cho tình hình an ninh trật tự vùng nông thôn. Còn nhớ ngay ngày mùng 2 Tết Canh Tý 2020, dư luận rất bức xúc khi nghe thông tin một hộ nông dân ở huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk đã bị “lâm tặc” miệt vườn ra tay chặt phá gần 60 cây sầu riêng cùng nhiều cây cà phê (thiệt hại khoảng 600 triệu đồng).

Lâm tặc miệt vườn: Phải nghiêm trị! - Ảnh 1.

Cây cà phê bị “lâm tặc” miệt vườn cưa hạ ở xã Hòa Nam, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng

Đến tháng 4-2020, hàng trăm cây sầu riêng của gia đình nông dân ở xã Hòa Ninh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục bị “lâm tặc” miệt vườn chặt hạ không thương tiếc. Cũng trong tháng 4-2020, một vườn sầu riêng (4 năm tuổi) của một hộ dân nông dân ở phường 2, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng cũng bị “lâm tặc” miệt vườn ra tay bằng cách khoan lỗ, đổ thuốc khiến cây khô cành, rụng lá, chết dần.

Trước đó vào tháng 7-2019, hàng trăm cây bơ ghép trên diện tích gần 1 ha của một gia đình nông dân ở xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng bất ngờ bị chặt hạ toàn bộ. Tháng 10- 2019, hơn 4.000 cây keo khoảng 2 năm tuổi của người dân ở huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam cũng bị triệt phá.

Lý do dẫn đến việc ra tay cưa hạ 565 cây cà phê ở xã Hòa Nam, huyện Di Linh bước đầu được xác định là do mâu thuẫn trong gia đình. Những trường hợp còn lại, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.

Hiện nay, nhà nước đã và đang triển khai chương trình nông thôn mới, lẽ nào gọi là nông thôn mới lại không xử lý được tình trạng “lâm tặc” miệt vườn lộng hành phá hoại tài sản của người dân. Nói thẳng, nếu lực lượng công an địa phương, đặc biệt là công an khu vực, thật sự quản lý địa bàn tới nơi, tới chốn thì chẳng có “lâm tặc” miệt vườn nào dám lộng hành như vậy.

Cũng cần phải nói thêm nếu các cán bộ mặt trận, hội phụ nữ, cán bộ hưu trí… thật sự làm tốt công tác dân vận tại địa bàn, gắn bó chặt với địa bàn theo kiểu “tỉ tê, nhỏ to tâm sự” với người dân qua đó hóa giải kịp thời, hợp tình, hợp lý những bất đồng thì hoàn toàn có thể ngăn chặn, kéo giảm vấn nạn “lâm tặc” miệt vườn.

Đặc biệt với những mâu thuẫn gia đình, hàng xóm dẫn đến tranh chấp, nếu cơ quan chức năng địa phương nhanh chóng xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật thì hiện tượng mượn tay “lâm tặc” miệt vườn để giải quyết xích mích cũng khó có thể xảy ra.