Còn nhớ hầm chui cầu Công Lý trên đường Hoàng Sa, Trường Sa và cầu Kiệu, giáp ranh các quận 1, 3 và quận Phú Nhuận từng là nơi đổ rác, xà bần của người dân. Để ngăn chặn rác thải nơi công cộng, ngành chức năng đã cho lát gạch phần đất từng trồng cây xanh mà cây không phát triển, để người đi bộ không phải đi chung với ôtô và xe máy. Khi những người đi bộ có lối đi riêng bảo đảm vệ sinh an toàn, họ sẽ chọn lối đi vòng hầm chui thay vì băng ngang đường, vừa gây nguy hiểm cho bản thân và cho cả những người điều khiển phương tiện giao thông. Ngành chức năng cũng đã làm hàng rào sắt không để người dân muốn đổ rác, xà bần cũng không thể thực hiện. Nhờ vậy, tình trạng rác thải khu vực này giảm hẳn.

Vỉa hè cầu Kiệu dành cho người đi bộ cũng một thời xảy ra tình trạng đổ rác và vật dụng gia đình đã hư hỏng gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường, nhiều tờ báo đã lên tiếng phản ánh. Chính quyền sở tại nhanh chóng tiếp thu, cho gắn camera và thường xuyên kiểm tra giám sát đã ngăn chặn tình trạng rác thải và người lang thang sống ở vỉa hè cũng không còn như trước.

Từ kinh nghiệm của chính quyền địa phương tại 2 khu vực trên, nếu “67 cây cầu có nguy cơ cháy, nổ” được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cùng quyết tâm phối hợp tìm giải pháp khắc phục, như rào chắn, kiểm tra giám sát và xử phạt thật nặng các trường hợp vi phạm… thì sẽ hạn chế đến mức thấp nhất nạn xả rác trên cầu.