Tình trạng lạm thu đã và đang gây ra hệ lụy xấu, ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục. Vẫn biết việc phát sinh những khoản thu để phục vụ cho việc nâng cao chất lượng giáo dục là không thể tránh khỏi. Nhưng cái đáng phê phán chính là một số trường không công khai, minh bạch các khoản thu; chưa thực hiện tốt việc phát huy dân chủ khi hạn chế quyền của phụ huynh được tham gia thảo luận, góp ý đối với các khoản thu của nhà trường.

Việc thu những khoản đóng góp tự nguyện nhưng không để phụ huynh tự nguyện mà lại nêu mức đóng góp tối thiểu và tối đa. Nhiều khoản thu tự nguyện đều do ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp thống nhất từ trước và thông báo với toàn thể phụ huynh, phụ huynh chưa kịp có ý kiến thì đã biểu quyết thông qua…

Ngoài ra, một số trường tự đặt ra một số khoản thu không phục vụ nhu cầu trực tiếp của học sinh như thu kinh phí để mua máy tính xách tay cho giáo viên chủ nhiệm; xây dựng, sửa chữa trường lớp hoặc để giáo viên đi tham quan, du lịch…

Phụ huynh phản đối việc lạm thu của nhà trường là chính đáng nhằm bảo đảm các khoản thu của nhà trường phải phục vụ trực tiếp nhu cầu học tập của học sinh; đồng thời phải xét đến điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình học sinh. Khi phát sinh những khoản thu đầu năm nhưng không tổ chức công khai rộng rãi, phụ huynh thiếu thông tin dẫn đến nghi ngờ là điều khó tránh khỏi.

Ngành giáo dục cần chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để chấn chỉnh tình trạng lạm thu; nhà trường cần tăng cường phát huy dân chủ trong việc bàn bạc, thỏa thuận các khoản thu tự nguyện. Mặt khác, cần phát huy vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc thu các khoản đóng góp tự nguyện; khi thu phải xét đến điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình học sinh không nên cào bằng các khoản thu và quan trọng là hãy để phụ huynh đóng góp tự nguyện đóng góp, tránh tình trạng áp đặt, gây hiểu lầm và phản ứng của phụ huynh học sinh làm giảm uy tín của ngành giáo dục như những năm học vừa qua.