PGS-TS PHẠM THANH BÌNH, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam:

Nhiều áp lực, nguy hiểm nhưng đãi ngộ thấp

Ngành y tế là một ngành đặc thù với lực lượng lao động nữ chiếm trên 63%. Khối lượng công việc của ngành này không chỉ nhiều mà còn nặng nhọc, nguy hiểm.

Không như nhiều ngành nghề khác, hết giờ làm việc hành chính là nghỉ, ngành y hoạt động 24/24 giờ. Nhân viên y tế thường xuyên trực đêm và tăng ca do thiếu nhân lực.

Với đặc thù công việc là chăm sóc, điều trị người bệnh, nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Có đến 54,5% nhân viên y tế có vấn đề về sức khỏe tâm thần mà phổ biến nhất là căng thẳng. 

Tỉ lệ nhân viên y tế mắc bệnh nghề nghiệp ngày càng cao, tai nạn lao động thường xuyên xảy ra trong các cơ sở y tế nhưng việc chăm sóc sức khỏe cho nhân viên y tế chưa được quan tâm đúng mức. Không chỉ vậy, các vụ bạo hành nhân viên y tế ngày càng gia tăng và hiện chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn.

Hãy tin vào người thầy thuốc! - Ảnh 1.

Y – bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) phẫu thuật ghép thận cho bệnh nhi. Ảnh: HẢI YẾN

Ở Mỹ, bác sĩ được xếp vào 2 ngành nghề có mức lương cao nhất xã hội (nghề còn lại là luật sư). Ở Việt Nam, lương của người làm ngành y hiện đứng thứ 17/18 ngành nghề trong khi họ phải đầu tư nhiều tiền cho 6 năm học và 2 năm thực hành. Chưa kể sau 2 năm ròng rã chống dịch COVID-19, thu nhập tăng thêm của nhân viên y tế đang có chiều hướng giảm từ 30%-50%.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, nhân viên y tế xung phong lên tuyến đầu. Khi dịch qua đi, họ trở về với thực tế phũ phàng. Dù vậy, hàng ngàn nhân viên y tế vẫn đang làm việc không ngơi nghỉ. Mong là các cấp, các ngành xem những khó khăn, bất cập trong ngành y hiện nay là những vấn đề cấp bách và xác định “cứu ngành y như cứu hỏa”. Phải làm sao để người làm ngành y có cái bụng ấm, điều kiện làm việc an toàn để họ yên tâm công tác, cống hiến hết sức mình và không bao giờ phải hối hận với nghề mà mình đã chọn.

TS-BS NGUYỄN ANH DŨNG, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM:

Thấu hiểu, đồng cảm

Trước khi được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, tôi có nhiều năm làm Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Mỗi ngày Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận cấp cứu khoảng 200 bệnh nhân. Khoa Cấp cứu là cửa ngõ bệnh viện, nơi “đầu sóng, ngọn gió” tiếp nhận đủ mọi đối tượng bệnh nhân. Tôi không nhớ đã từng chứng kiến, giải quyết bao nhiêu vụ đồng nghiệp, nhân viên của mình bị người bệnh hoặc thân nhân người bệnh hành hung, dọa giết. 

Nguy hiểm nhất là những ca cấp cứu mà người bệnh liên quan đến các vụ đánh nhau hay những băng nhóm giang hồ. Chỉ 1-2 người cần cấp cứu nhưng rất đông các đối tượng xăm trổ, say rượu bia xông vào với đủ loại hung khí để xử nhau và nhân viên y tế cũng bị vạ lây.

Chuyện an ninh trật tự trong bệnh viện, đặc biệt là ở Khoa Cấp cứu, được nói đến từ lâu và rất thường xuyên. Để dẹp hoàn toàn tình trạng bạo hành nhân viên y tế là điều không dễ. Nếu không có sự cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ thì tình trạng hành hung y – bác sĩ sẽ còn tiếp diễn.

Trong cuộc chiến chống lại bệnh tật cần có sự phối hợp giữa bác sĩ, bệnh nhân và thân nhân người bệnh với mục tiêu chung là chiến thắng bệnh tật. Vì vậy, người dân khi đến cơ sở y tế hãy giữ một môi trường điều trị an toàn, tin tưởng vào người thầy thuốc để các nhân viên y tế an tâm làm việc, người bệnh được chăm lo sức khỏe chu đáo.

Ông NGUYỄN HUY QUANG, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Y tế:

Cần đề án phục hồi ngành y

Những sai phạm xảy ra trong ngành y tế vừa qua khiến lòng tin của người dân và cả những người làm trong ngành bị suy giảm. Thực tế, những cán bộ bị bắt, xử lý kỷ luật liên quan đến Công ty Việt Á chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong nửa triệu cán bộ ngành y. 

Còn những thành tích của ngành y nói chung và của y – bác sĩ nói riêng trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân thì phải được ghi nhận một cách công tâm, khách quan. Đừng để vụ Công ty Việt Á như một cơn bão xóa nhòa các thành tựu của ngành y.

Lúc này ngành y và những cán bộ, nhân viên y tế rất cần sự động viên cả về vật chất lẫn tinh thần, nhất là phải tạo mọi điều kiện tốt nhất để ngành y hoạt động hiệu quả. Quốc hội, Chính phủ và lãnh đạo ngành y tế cần đánh giá lại những ưu, khuyết điểm của ngành thời gian qua, chỉ ra nguyên nhân chủ quan và khách quan để có có một đề án bài bản nhằm phục hồi ngành y tế.

Hiện nhiều nhân viên y tế còn bị nợ lương, phụ cấp trong khi khối lượng công việc rất nhiều đã vắt kiệt cả thể chất, tinh thần của họ. Cần tiếp tục khen thưởng các thầy thuốc, nhân viên y tế đã tham gia phòng chống dịch COVID-19. Tiếp tục tôn vinh những thầy thuốc, nhân viên y tế tận tâm cấp cứu, điều trị người bệnh; những người làm công tác thầm lặng như y tế dự phòng…

Sau cơn mưa, trời sẽ sáng

Đọc bài viết “Dù thế nào, tôi vẫn tận tụy với nghề!” đăng trên Báo Người Lao Động ngày 26-10, tôi thật sự xúc động. Không oán trách, nặng lời hay phiền muộn, bài viết chỉ nói lên sự thật. Một sự thật mà không phải người ngoài ngành nào cũng biết, cảm thông, chia sẻ; ngược lại đôi lúc còn bị gièm pha, nghi kỵ. Nhưng dù có thế nào thì con đường, đích đến của một nhân viên y tế vẫn không thể chệch ngoài quỹ đạo cứu người.

Nghề y là một nghề cao quý, xoa dịu nỗi đau thể xác và tinh thần cho người khác nhưng bản thân y – bác sĩ lại phải luôn đối diện với chuỗi dài áp lực, mà đáng sợ nhất là áp lực tinh thần. Tiếc là vẫn có người đong đo nghề nghiệp chúng tôi với đồng tiền, để rồi phân hóa vai trò, vị trí bằng… tiền nhiều hay ít, đứng trên cả luân thường đạo lý.

May là số người đó không nhiều và đạo lý, tình người vẫn đong đầy nơi lằn ranh sinh tử. Vì thế tôi tin sau cơn mưa trời lại sáng, mọi khó khăn rồi sẽ qua. Ngành y vẫn là điểm tựa thương yêu của con người và là nơi lan tỏa tình thương, y đức.

BS Liêu Trọng

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-10