Đa số mọi người ít dành thời gian vào việc đọc sách, nếu cần tìm kiếm thông tin hay đọc một vấn đề gì, chỉ cần lên mạng nhấp chuột vào vài địa chỉ là có thể đọc được ngay.

Thói quen đọc sách trong giới trẻ cũng không còn được duy trì tốt. Thậm chí học sinh, sinh viên cũng lười đọc sách, nếu có thì cũng quanh quẩn trong những cuốn sách chuyên ngành học mà thôi. Những cuốn sách đọc để nâng cao thêm kiến thức văn hóa, xã hội, lịch sử… hầu như họ không quan tâm đến. Sự hụt hẫng kiến thức do lười đọc sách dễ dàng nhận thấy qua các trò chơi trên truyền hình. Người chơi dù có học vấn chuyên môn cao, là học sinh, sinh viên thông minh, sáng tạo nhưng lại “chết” ở những câu hỏi bình thường, phổ thông dễ dàng tìm thấy trong các cuốn sách.

Tôi rất ấn tượng với đam mê đọc sách của người nước ngoài. Dù ở những nước có trình độ công nghệ khoa học hiện đại phát triển bậc nhất, đầy đủ các phương tiện nghe nhìn nhưng thói quen và phong cách đọc sách của họ đáng để chúng ta phải suy nghĩ. Rất nhiều người nước ngoài luôn đem sách bên mình và bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào, miễn là có thể thu xếp được, như đi xe buýt, ngồi taxi, ở nhà ga, trong phòng đợi làm thủ tục giấy tờ, trong lúc chờ chuyến bay…, họ đều lật sách ra đọc. Thậm chí những lúc nằm thảnh thơi thư giãn trên bãi biển, họ cũng đọc sách. Nếu không tiện cầm sách trong tay, họ dùng điện thoại di động, thiết bị cầm tay, ngay cả những chiếc máy nghe nhạc đời mới, miễn là có tính năng đọc văn bản, họ cũng biến hóa được thành trang sách.

Có câu ngạn ngữ: “Những người đọc sách tuy chưa thành danh nhưng cũng đã có một tư cách cao thượng”. Qua đó ta có thể thấy vai trò quan trọng của việc đọc sách đối với sự hình thành và hoàn thiện những phẩm chất quý giá cho con người. Sách luôn là một kho tàng huyền bí, là chiếc chìa khóa mở mang tầm hiểu biết và làm đẹp cuộc đời. Dù là trong thời buổi bùng nổ thông tin như hiện nay, sách cũng không hề mất đi giá trị văn hóa truyền thông lâu đời vốn có.