Bạn đọc An Thùy bức xúc cho rằng: ”Chính quyền đã xử lý tiền hậu bất nhất”. Bạn đọc này dẫn chứng: Tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ Panorama (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) xây dựng trái phép ngay trên đoạn đèo Mã Pì Lèng nối Mèo Vạc với Đồng Văn. Tháng 10- 2019, UBND tỉnh Hà Giang khẳng định quan điểm và phương hướng giải quyết của tỉnh là không bao che sai phạm, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan. Sẽ khắc phục những sai phạm trong xây dựng công trình theo đúng các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, giờ đây địa phương quyết định Panorama trở thành điểm dừng chân nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận di sản và hưởng thụ, trải nghiệm các giá trị khoa học của khu Công viên địa chất và khu danh thắng Mã Pì Lèng. Là phương thức góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch của địa phương, tạo ra nguồn sinh kế mới cho đồng bào dân tộc đang cư trú trong khu Công viên địa chất, đồng thời tạo ra nguồn thu ngân sách, đầu tư trở lại cho việc bảo tồn di sản.

Từ một công trình xây dựng trái phép, Panorama giờ đây “gánh vác” nhiệm vụ là nơi góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch của địa phương, tạo ra nguồn thu ngân sách…

Rất nhiều bạn đọc đã bất bình với kết quả xử lý về công trình Panorama : “Cuối cùng là cho tồn tại, mà không phải bị phạt cho tồn tại”; “Rồi cũng xử lý xong và phải nói thêm thế này thế nọ cho “đẹp” chuyện”.

Không ít bạn đọc còn nói vui: “Tôi sẽ xây dựng một cái Panorama ở phía đối diện cho các phương tiện giao thông chiều ngược lại có chỗ dừng chân, ngắm cảnh; chắc Panorama thứ 2 cũng được “chiếu cố” như Panorama 1″.

Bạn đọc Tài Huynh thì trăn trở: “Chuyên gia UNESCO trước đó đã nhận định chỉ nên để lại bệ đá đúc ngang sát cốt mặt đường, xây dựng lan can an toàn kiểu đơn giản nhất để du khách có thể dừng chân ngắm cảnh mà thôi. Nay họp tới họp lui rồi lại cho phép tồn tại gần như đủ cả các tầng!”. 

Theo nhiều bạn đọc, đây là một cách hợp thức hóa sai phạm, cách làm này sẽ tạo tiền lệ xấu tương tự như vậy trong các lĩnh vực khác.