Người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước là do cố ý, tức là khi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra, vì bản chất của hành vi chiếm đoạt đã chứa đựng sự cố ý phạm tội.

Như vậy, trước khi truy tố bị can về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”, các cơ quan chức năng cần xác định đối tượng tác động của tội phạm có phải là “tài liệu bí mật nhà nước” hay không. Việc này được thực hiện thông qua các quy định của pháp luật về bí mật nhà nước như: Luật Bảo vệ bí mật nhà nước số 29/2018/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020; Nghị định 26/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và đặc biệt là các quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về danh mục bí mật nhà nước của từng cơ quan.

Tiếp đó, cần phải xác định người phạm tội có hành vi “chiếm đoạt” hay không. Nghĩa là có cố ý dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực uy hiếp thể chất hoặc tinh thần đối với người quản lý tài liệu bí mật nhà nước hoặc dùng thủ đoạn gian dối để lừa đảo người giữ tài liệu bí mật nhà nước; lạm dụng tín nhiệm hoặc lén lút chiếm đoạt các tài liệu bí mật nhà nước hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp quản lý tài liệu bí mật nhà nước để chiếm đoạt các tài liệu bí mật nhà nước hay không.

Khi có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm như trên, cơ quan chức năng có thể truy tố bị can về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” theo quy định tại điều 337 BLHS năm 2015; sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Khi xác định đối tượng tác động của tội phạm này, cần lưu ý: Trong số những tài liệu bí mật nhà nước thì có tài liệu khi đã được công bố, nó không còn là bí mật nữa nhưng văn thư vẫn đóng dấu “Mật”, làm cho nhiều người ngộ nhận đó là tài liệu mật. Ví dụ: Đề án, phương án, kế hoạch, ý kiến chỉ đạo, thông báo ý kiến chỉ đạo, kết luận của các lãnh đạo bộ, ban, ngành trung ương; HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có nội dung đánh giá về thực trạng hoạt động của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có hoạt động gây ảnh hưởng đến chính trị, an ninh quốc gia; về xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ cấp chiến lược…, khi chưa công bố thì đó là bí mật nhà nước nhưng khi đã công bố thì không còn là bí mật nhà nước nữa.

Trước đây, Cơ quan Điều tra Bộ Công an đã điều tra và khởi tố về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” đối với ông Nguyễn Đức Chung – cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội – trong vụ án Công ty Nhật Cường vào năm 2020. Tại phiên tòa ngày 11-12-2020, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt ông Nguyễn Đức Chung 5 năm tù và ông Phạm Quang Dũng 4 năm 6 tháng tù về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” theo quy định tại điều 337 BLHS năm 2015; sửa đổi, bổ sung năm 2017. Đây là vụ án xác định rõ được hành vi “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”.

Nhưng với một vụ khác, liên quan phóng viên L.A của Báo T.T và ông N.M.C (nhân viên Phòng Hành chính – Bộ Y tế) vào năm 2004-2005 thì lại khác. Ban đầu, 2 người này bị khởi tố tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Một thời gian sau, VKSND Tối cao ra văn bản đình chỉ điều tra bị can, đình chỉ vụ án hình sự và hủy bỏ biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 người vì: Kết quả điều tra xác định phóng viên L.A và ông N.M.C đều không nhận thức được tài liệu 2 người này khai thác (cho mục đích báo chí) đang được Bộ Y tế quản lý theo chế độ bảo mật của nhà nước. Do vậy, không có đủ căn cứ pháp lý để kết luận vi phạm quy định về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”.