Điển hình như bơm môi, nâng mũi ở trung tâm thẩm mỹ không bảo đảm môi trường vô khuẩn nên bị nhiễm trùng, sưng đau, phải đến bệnh viện để khắc phục, mất thời gian, tiền bạc và mệt mỏi. Đặc biệt, việc phẫu thuật thẩm mỹ phải sử dụng đến thuốc tê, thuốc mê có nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng.

Có thể dễ dàng nhận thấy mô-típ quảng cáo dịch vụ mà các ông bà chủ cơ sở, trung tâm thẩm mỹ thường sử dụng là: “Đơn giản, nhanh chóng, không đau, nhanh lành vết thương, không mất thời gian nghỉ ngơi sau phẫu thuật…”. Không ai để lộ những “phốt” như khách hàng bị tai biến vì cơ địa nhạy cảm, mãi không lành vết thương; những trường hợp quay lại tố cáo, đòi tiền… Chưa kể có những cơ sở làm ăn chụp giật, bác sĩ chỉ đứng tên trên danh nghĩa còn thực tế để người thiếu kinh nghiệm thực hiện phẫu thuật.

Muốn làm đẹp, xin đừng tin những lời “rót mật vào tai” của các đoạn quảng cáo, các thông tin – kể cả KOL hay khách hàng cũ “rì-viu” trên Facebook. Đừng tin cả những lời chia sẻ, giới thiệu nghe có vẻ rất vô tư trên các hội, nhóm. Tất cả đều có thể dàn dựng!

Để làm đẹp an toàn, tốt hơn hết nên đến các bệnh viện thẩm mỹ hoặc các chuyên khoa phẫu thuật chỉnh hình, dịch vụ thẩm mỹ của các bệnh viện lớn. Với các cơ sở y tế này, khách hàng có thể yên tâm về điều kiện vô trùng, vô khuẩn cũng như cơ sở vật chất để cấp cứu khi gặp biến chứng (hoàn toàn có thể xảy ra). Nên kiểm tra kỹ ai sẽ là người thực hiện phẫu thuật, đọc kỹ trước khi ký vào hợp đồng sử dụng dịch vụ. Đừng sợ bị chê khó tính trong trường hợp này.

Phần không kém quan trọng chính là an toàn về tài chính sau mỗi ca phẫu thuật thẩm mỹ. Hôm nay muốn nâng mũi, hôm sau muốn sửa mí, sửa mày. “Làm lại” gương mặt được khen sẽ đâm nghiện, mấy tháng sau lại muốn nâng cấp vòng một, vòng ba… Cuộc sống hiện đại mọi người có ý thức và cũng có điều kiện hơn để chăm chút cho vẻ bề ngoài. Tuy nhiên, đừng để bị cuốn theo trào lưu, tốn kém quá nhiều tiền, đến khi phát sinh những nhu cầu thiết yếu hoặc gặp biến cố, khó khăn trong cuộc sống lại không có khoản tích lũy để sử dụng.