Với đô thị lớn như TP HCM, ứng phó với mưa không còn là chuyện của cá nhân mỗi người mà từ lâu đã trở thành vấn đề liên quan tới tình hình giao thông nói riêng, sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung.

Không khó để bắt gặp hình ảnh khi thấy mưa nặng hạt, nhiều người bon bon trên đường vội đạp thắng, hối hả mở cốp xe lấy áo mưa ra mặc. Việc này, thứ nhất đã vi phạm luật giao thông khi dừng xe giữa đường; thứ hai, những người dừng xe ấy tự tạo ra “nút cổ chai” vì sự chiếm dụng không gian lưu thông một cách đột ngột; thứ ba, tiềm ẩn nguy cơ va chạm với những xe sau vì xe sau khó chủ động xử lý tình huống bất ngờ dừng lại của người phía trước.

Với ít nhất ba hệ lụy ở trên, việc “giữa đường mặc áo mưa” chỉ có thể giải thích bằng sự chủ quan, hành động chỉ muốn lợi cho mình và thiếu khả năng đánh giá diễn tiến cơn mưa.

Bởi, dù mưa thường bất chợt thì trước đó bầu trời và không khí mặt đất đã có những chỉ báo khả tín (như khối mây gần hơn, gió lạnh hơn, phía trước mờ mịt hơn…) và bất cứ ai có thể dự phòng, tấp sát lề đường hoặc mái hiên một quán nào đó mặc áo mưa trước.

Trở lại vấn đề ứng phó với mưa của mỗi cá nhân là câu chuyện liên quan tới tình hình giao thông và phát triển kinh tế – xã hội, sáng 12-7, trong buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư với UBND TP HCM, một thông tin đáng chú ý là mỗi năm TP HCM thiệt hại khoảng 6 tỉ USD do ùn tắc giao thông. Con số rất lớn này hẳn không thể không có sự “đóng góp” của nhiều người tùy tiện dừng xe giữa đường để mặc áo mưa.

Tôi cho rằng thay đổi thói quen phản ứng với mỗi trận mưa sẽ giúp người điều khiển phương tiện ứng xử với luật giao thông văn minh hơn, giúp xóa hẳn nguyên nhân ùn tắc vì tùy tiện dừng đỗ cũng như giảm thiểu rủi ro tai nạn với chính mình và những người khác.

Với những điều tuyệt vời ấy, còn chờ gì mà chúng ta không thay đổi?