Có lần, cách đây không lâu, một người quen gọi điện hỏi cảm xúc của tôi trước những lời chỉ trích liên quan đến sự cố “rắn ngậm phong bì”. Tôi trả lời: “Công việc bận quá, không có thời gian lên mạng để đọc và biết vụ đó”.

Một đêm trực của nữ hộ sinh

Là một hộ sinh của Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM), bệnh viện sản khoa lớn nhất miền Nam, công việc của tôi và đồng nghiệp rất bận rộn. Buổi chiều, khi mọi người về nhà sum vầy bên gia đình, đọc báo, xem tivi…, chúng tôi bắt đầu vào ca trực.

Có hàng núi công việc đang chờ: tiêm thuốc, thay băng, theo dõi dấu hiệu sinh tồn của thai phụ, đến từng giường bệnh hỏi thăm sức khỏe, cảm nhận từng nhịp đập của tim thai nhi…

Việc nối việc cho đến khi màn đêm buông xuống, khắp phố phường vắng lặng, mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ, chúng tôi vẫn miệt mài dõi theo từng nhịp tim, hơi thở, từng giọt dịch truyền…

Thèm ngủ lắm nhưng không ai chợp mắt vì những tiếng rên đau đớn như xé màn đêm của những sản phụ bắt đầu chuyển dạ. Khi đó, chúng tôi lại đến, kiên nhẫn, ân cần xoa dịu nỗi đau đớn của sản phụ và vỡ òa hạnh phúc khi sản phụ vượt cạn thành công.

Vừa xong ca này, lại có những ca mổ gấp, chúng tôi tất bật chuẩn bị cho ca phẫu thuật. Rồi phòng hồi sức với những chiếc monitor kêu dồn dập khi nhịp tim của một sản phụ đập bất thường sau cuộc mổ. Những bước chân của chúng tôi lại nhanh nhẹn đến nơi, khẩn trương xử trí cho từng tình huống, không để chậm trễ làm mất đi cơ hội cứu sống người bệnh.

Không nhớ bao nhiêu đêm chúng tôi trăn trở ngồi canh bên lồng ấp, xót xa nhìn những đứa trẻ sinh non xa bầu sữa mẹ khi mới lọt lòng, mớm từng giọt sữa non của mẹ cho bé, cẩn trọng trong từng đường tiêm, mũi thuốc trên cánh tay mềm bé bỏng để lá phổi xanh non nớt kia mau trưởng thành, sớm trao con về với mẹ.


Dù thế nào, tôi vẫn tận tụy với nghề! - Ảnh 1.

Một nữ hộ sinh hỗ trợ bác sĩ đỡ một ca sinh thành công ở Bệnh viện Từ Dũ

Làm gì còn thời gian để buồn!

Khi mới bước vào nghề hộ sinh, tôi hay chạnh lòng vì trong những ngày nghỉ lễ, Tết. Khi mọi người cùng người yêu du xuân ngắm pháo hoa, cùng gia đình sum họp, thì tôi và đồng nghiệp lại tất bật với những ca sinh, ca cấp cứu, không có cả thời gian để đáp lại tin nhắn của người thân, bạn bè. Xong ca trực, toàn thân rã rời, chân thấp chân cao vội lấy xe chạy ra con đường quen thuộc, thấy cờ hoa rực rỡ mới nhớ đang là ngày Tết.

Bận rộn quanh năm suốt tháng, chúng tôi lấy đâu ra thời gian để buồn trước cái nhìn phiến diện của xã hội về người làm ngành y. Mọi buồn vui của chúng tôi đều xoay quanh những bà mẹ, những đứa trẻ bé bỏng.

Tôi có gần 30 năm gắn bó với nghề hộ sinh. Ngần ấy thời gian, tôi cùng đồng nghiệp đã cùng nhau đi qua biết bao kỷ niệm. Ngoài những niềm vui, có không ít giọt nước mắt lăn dài trên má vì áp lực công việc và cả sự bất lực khi chứng kiến một em bé hình hài không trọn vẹn, hoặc không may ra đi…

Cũng không ít lần chúng tôi đón nhận những phản ứng thái quá, những lời lẽ xúc phạm của người nhà bệnh nhân. Trong thời đại bùng nổ thông tin, những tai biến trong chuyên môn, nếu có cái nhìn thiếu khách quan, thiện cảm sẽ tạo nên làn sóng phản ứng dữ dội với ngành y. Những việc làm được của nhân viên y tế, như cứu sống người bệnh trong gang tấc, bỗng chốc bị gạt phắt, quên lãng.

Nhưng cũng hơn ai hết, chúng tôi hiểu nghề y là một nghề đặc biệt, một khi đã chọn và theo đuổi phải biết chấp nhận những áp lực, cố gắng vượt qua khó khăn. Cho dù có bị lời ra tiếng vào, thậm chí bị chỉ trích nặng lời, chúng tôi vẫn tận tụy với nghề, như 30 năm qua tôi đã từng.

Người hộ sinh còn phải là nhà tâm lý

Không chỉ chăm sóc bệnh nhân về thể chất, với từng bà mẹ, chúng tôi phải học cách phân tích, đánh giá đặc điểm của từng người trong mỗi giai đoạn để có cách ứng xử phù hợp.

Nói cách khác, chúng tôi phải đặt mình trong hoàn cảnh các bà mẹ đang mang nặng đẻ đau để giúp họ vơi đi những mệt mỏi, căng thẳng trong quá trình vượt cạn.

Bởi nếu chỉ biết tập trung chuyên môn, thiếu sự cởi mở, sẽ làm các bà mẹ thêm căng thẳng, mất lòng tin vào nhân viên y tế và bệnh viện.