Việt Nam có hơn 260 khu công nghiệp và khu chế xuất. Hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý rằng với những thay đổi địa chính trị hiện nay, đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có thể sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn và trung hạn.

Áp lực cung cấp nhà ở cho công nhân

Một trong những lo ngại liên quan đến vấn đề này là việc cung cấp nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp. Quy mô lớn, vốn đầu tư cao, thu hồi chậm, hiệu quả thấp nên rất ít doanh nghiệp mặn mà đối với việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Sự phối hợp giữa các chủ sở hữu khu công nghiệp và bên thuê cũng phát sinh nhiều vấn đề. Trong một số trường hợp, điều kiện cung cấp nhà ở đã có từ trước khi thành lập khu công nghiệp. Mặt khác, khi tỉ lệ lấp đầy khu công nghiệp tăng lên và yêu cầu việc làm tiếp tục mở rộng sẽ tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với chính quyền địa phương và các nhà quy hoạch trong việc cung cấp nhà ở giá rẻ.

Như một bước đi quan trọng nhằm giải quyết bài toán cung ứng nhà ở xã hội giá rẻ, mới đây, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” (đáp ứng khoảng 85% nhu cầu).

Vẫn còn câu hỏi liên quan đến việc làm thế nào để đề án này có thể được thực hiện đầy đủ nhằm giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân và chính quyền địa phương phải làm gì khi phải chịu trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng này?

ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI: Giá nhà phải phù hợp thu nhập của công nhân - Ảnh 1.

Giải quyết tốt bài toán nhà ở xã hội sẽ giúp công nhân ổn định cuộc sống Ảnh: Thanh Long

Cải thiện mô hình kinh doanh

Một báo cáo gần đây do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản hoàn thành đã đem đến một số ý kiến quan trọng, có giá trị.

Về mặt thiết kế, để bảo đảm sử dụng và duy trì mức độ lấp đầy, cần phải bố trí các khu nhà ở mới gần các khu công nghiệp và khu dân cư hiện có, với khả năng tiếp cận đầy đủ các tiện nghi chính như trường học, cơ sở thể thao và các tuyến đường giao thông huyết mạch. Trong thiết kế cũng cần xem xét việc các cơ sở hạ tầng đô thị quan trọng được tích hợp và chia sẻ với cộng đồng cư dân địa phương. Ngoài ra, phải bảo đảm các thông số kỹ thuật pháp lý của các yếu tố thiết kế được tuân thủ trong các vấn đề như kích thước tối thiểu của ngôi nhà, kích thước phòng, khả năng chiếu sáng tự nhiên và thông gió…

Thiết kế có thể mở rộng để đẩy mạnh sự tham gia của nhà đầu tư. Để thu hút các nhà đầu tư lớn vào các dự án nhà ở xã hội là một thách thức. Có thể cân nhắc đến khả năng linh hoạt trong thiết kế với các yêu cầu về diện tích đất đi kèm để hỗ trợ sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bảo đảm sự phối hợp tốt hơn giữa khu vực công và khu vực tư nhân. Chính quyền trung ương cần làm rõ và đưa ra các hướng dẫn để chính quyền địa phương tham gia với các doanh nghiệp và vận hành khu vực tư nhân, cũng như giữa các cơ quan chính phủ và bên thuê khu công nghiệp. Điều này sẽ bao gồm việc bảo đảm sự đồng thuận trong việc xây dựng nhà ở xã hội và các khu vực đang phát triển gần khu công nghiệp; cung cấp khả năng quản lý tòa nhà và cơ sở vật chất sau xây dựng một cách đầy đủ.

Làm thế nào để công nhân khu công nghiệp tiếp cận được nhà ở xã hội vẫn là một thách thức đối với các dự án nhà ở xã hội. Có thể xem xét đến việc cải thiện mô hình kinh doanh. Các chi nhánh địa phương của tổ chức nhà ở công cộng có thể tăng cường hỗ trợ chủ sở hữu nhà ở trong việc sàng lọc cư dân tiềm năng, quản lý tòa nhà và hợp đồng cho thuê. Tiền thuê phải thực sự phù hợp với tiền lương của người lao động cũng như các khoản trợ cấp địa phương có thể cung cấp khoản chênh lệch để đền bù cho chủ sở hữu khi xảy ra sự chênh lệch giá so với giá thị trường.

Cuối cùng, nên thành lập các trung tâm thông tin/nhà cho thuê phi tập trung để hỗ trợ lấp đầy nhà trống kịp thời và cập nhật thông tin về giá. 

Nhà ở xã hội là một thách thức chính với nhiều quốc gia châu Á đang phát triển nhanh. Tuy nhiên, vẫn tồn tại các giải pháp được rút ra từ những bài học trong quá khứ và cách làm hiệu quả ở các quốc gia khác.