Gây bão dư luận suốt mấy ngày qua là dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) của Bộ GTVT, đề xuất người tham gia giao thông phải bật đèn xe suốt cả ngày. Trước phản ứng của dư luận, mới đây Bộ GTVT đã lên tiếng sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp, điều chỉnh lại cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.

Suy nghĩ “bảy lần” trước khi ký!? - Ảnh 1.

Đề xuất người tham gia giao thông phải bật đèn xe suốt cả ngày gây bức xúc dư luận.

Trước đó, dư luận cũng bức xúc với quy định của Tổng cục Ðường bộ về việc “điểm danh” thời gian học lý thuyết lái ôtô của học viên môn học pháp luật giao thông đường bộ thông qua hệ thống công nghệ giám sát. Nếu học không đủ thời gian, học viên bị xem chưa hoàn thành khóa học và sẽ không được dự thi. Thời đại công nghệ, chuyện học lái xe với nội dung lý thuyết, người học hoàn toàn có thể chủ động học từ xa, học trực tuyến. Quan trọng là chất lượng khi thi kiểm tra sách hạch của học viên chứ không phải có mặt để “điểm danh” đủ số giờ học.

Hay như mới đây, khi dịch Covid -19 tạm lắng, nhà nước đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, phục hồi hoạt động các lĩnh vực kinh tế- xã hội, trong đó có ngành công nghiệp không khói- dịch vụ du lịch. Khi nhiều công ty du lịch đã “tái xuất” tranh thủ làm việc xuyên những ngày lễ 30-4, 1-5 để bán tour cho các điểm đến tại Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang…, thì dư luận một lần nữa thảng thốt khi nghe quy định của Tổng cục Du lịch dành cho du khách khi đi du lịch sau mùa dịch Covid-19 rằng “không được chia sẻ, đưa tin trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông về dịch Covid-19 tại cơ sở dịch vụ du lịch…”. Quy định “độc đáo” này ban hành chưa ráo mực, thì đã có quyết định hủy bỏ.

Trên đây chỉ là một số quy định, dự thảo vừa ban hành đã bị phản ứng hoặc phải hủy bỏ xảy ra gần đây. Vẫn biết, để ban hành một quy định pháp luật không dễ gì tuỳ tiện, nhưng thực tế vẫn có không ít những dự thảo, quy định bất cập, duy ý chí, thiếu thực tế được soạn thảo, ban hành gây nên những bức xúc trong xã hội.

Do đó, các cơ quan soạn thảo cần xem xét, đánh giá tác động của chính sách, quy định trong thực tế trước khi ban hành nhằm hạn chế thấp nhất các sơ sót xảy ra. Ngoài ra, khi có ý kiến phản biện của người dân, cần nghiêm túc trao đổi, nghiên cứu, chỉnh sửa. Đặc biệt, cần có quy định xử lý đối với đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm ban hành văn bản thiếu tính khả thi, không mang hơi thở cuộc sống và sai quy định.