Những năm qua, tỉnh Gia Lai ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch để phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng sinh kế, nâng cao tỉ lệ che phủ rừng. Tại nhiều địa phương đã rầm rộ triển khai trồng rừng với kinh phí hàng chục tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay, nhiều nơi kết quả trồng rừng không được như kỳ vọng.

Chỉ hơn 20% cây sống

Huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai có gần 74.000 ha rừng tự nhiên, 1.750 ha rừng trồng và gần 27.000 ha đất chưa có rừng. Từ năm 2018 – 2020, diện tích đất trống đã được huyện Krông Pa cho các hộ dân đăng ký tham gia trồng rừng. Trong thời gian này, 300 hộ dân đăng ký tham gia trồng tổng cộng 417 ha rừng. Trong đó, năm 2018, UBND huyện Krông Pa đã chi trên 330 triệu đồng để 149 hộ trồng gần 145 ha keo lai, mật độ trồng từ 1.800 – 3.333 cây/ha.

Tuy nhiên, đến nay, 92 ha cây bị chết, không đạt yêu cầu để nghiệm thu, số còn lại tỉ lệ cây chết nhiều, cây sống rải rác. Tương tự, năm 2019, huyện chi 415 triệu đồng để trồng 105 ha keo lai, bạch đàn với mật độ 1.600 cây/ha. Đến nay có 76 ha cây đã chết, không đạt yêu cầu để nghiệm thu; 28 ha có tỉ lệ cây sống dưới 50%; chỉ 37 ha có tỉ lệ cây sống trên 50%.

Năm 2019, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai trồng 40 ha keo lai, đến nay chỉ còn 3,1 ha; năm 2020 trồng 20 ha thì nay chỉ 3,7 ha cây còn sống.

Theo UBND huyện Krông Pa, khi tiến hành nghiệm thu với diện tích rừng trồng giai đoạn 2018 – 2021, chỉ 65 ha đạt yêu cầu về tỉ lệ sống, diện tích, mật độ… để nghiệm thu. Diện tích này chỉ chiếm hơn 20% so với diện tích đã trồng là 317 ha.

Nhiều địa phương khác như Chư Pưh, Ayun Pa, Phú Thiện… diện tích rừng trồng cũng bị chết rất nhiều. Không chỉ rừng trồng bằng nguồn ngân sách bị chết, mà diện tích giao các doanh nghiệp thuê đất trồng rừng cũng có tỉ lệ chết rất lớn.

Đổ hàng tỉ đồng, rừng trồng vẫn èo uột - Ảnh 1.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Gia Lai kiểm tra công tác trồng rừng ở huyện Krông Pa

Vì sao cây chết nhiều?

Trong năm 2017 – 2021, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ để người dân trồng được 327 ha rừng. Đến nay, 245 ha trong đó có tỉ lệ sống thấp hơn 50%.

Theo ông Nguyễn Minh Tứ, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh, nguyên nhân rừng trồng bị chết, kém phát triển chủ yếu là do cây bị nắng hạn, sâu bệnh. Bên cạnh đó, có nhiều khó khăn trong công tác trồng rừng như chất lượng rừng không bảo đảm, tỉ lệ cây sống tốt thấp; diện tích rừng giảm dần qua các đợt nghiệm thu; diện tích manh mún, phân tán; cây sinh trưởng phát triển tốt chỉ ở 1 – 2 năm đầu, sau đó bắt đầu có hiện tượng héo ngọn và chết dần…

Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ rừng trồng đạt tiêu chuẩn thấp. Trong đó, diện tích trồng rừng giai đoạn 2018 – 2021 đều là diện tích người dân đã lấn chiếm và trả lại rồi đăng ký trồng rừng. Do đó, diện tích manh mún, rải rác gây khó khăn cho việc theo dõi và triển khai các biện pháp kỹ thuật.

Bên cạnh đó, nhiều hộ dân thiếu đất sản xuất nên ngoài trồng rừng còn trồng xen các loại cây khác khiến cây rừng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, thời tiết nắng nóng, cây trồng không hợp thổ nhưỡng nên sinh trưởng kém và bị các loài động vật phá hoại; nguồn gốc cây giống không bảo đảm…

Hiện trường trồng rừng xa xôi, phức tạp, phần lớn các hộ dân tham gia trồng rừng không có vốn đầu tư, chủ yếu phụ thuộc nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh trong khi suất đầu tư cho trồng rừng thấp (giai đoạn 2018 – 2020 là 7 triệu đồng/chu kỳ, từ năm 2021 chỉ còn 2,5 triệu đồng/chu kỳ trồng rừng) nên hầu hết người dân thiếu mặn mà khi tham gia trồng rừng. 

Đề nghị nâng cao mức hỗ trợ

Theo các địa phương, để người dân gắn bó, có động lực gắn bó trồng rừng thì phải nâng định mức hỗ trợ cho 1 chu kỳ trồng rừng; có chính sách hỗ trợ đối với những hộ dân tự bỏ vốn trồng rừng trên diện tích nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng; nghiên cứu trồng thử nghiệm một số loài cây lâm nghiệp phù hợp với đất rừng của các địa phương để có thể bổ sung vào cơ cấu cây trồng trong quá trình phục hồi rừng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nhận giao rừng, trồng rừng để thuận lợi trong quản lý và vay vốn phát triển chăn nuôi dưới tán rừng…