Tôi không rõ quá trình quy hoạch các bến xe buýt cần phải trải qua các bước như thế nào nhưng chắc chắn phải qua các bước phê duyệt của Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng. Điểm dừng xe buýt ngoài việc giúp thuận tiện cho lịch trình của người đi xe buýt cũng cần không xung đột với luồng tuyến các phương tiện giao thông khác, không gây bất tiện và ùn tắc giao thông.

Là người vừa sử dụng xe máy vừa có nhiều dịp đi xe buýt, tôi thấy tình trạng trạm xe buýt quá gần ngã tư khá phổ biến ở Hà Nội, gây phiền hà cho cả hai bên.

Điểm dừng xe buýt sao cứ chọn ở ngã tư? - Ảnh 1.

Bến xe buýt gần ngã tư gây khó khăn cho người đi xe máy và cả tài xế xe buýt khi ra – vào bến

Về phía người đi xe máy, khi dừng đèn đỏ, nếu chẳng may đứng trước mũi xe buýt thì luôn giật mình vì bị xe buýt bóp còi nếu xe được rẽ phải khi đèn đỏ. Giờ cao điểm, ngã tư thêm kẹt cứng vì có đến 3-4 xe buýt xếp hàng vào bến, chiếm gần hết lòng đường.

Về phía tài xế xe buýt, chắc chắn cũng rất vất vả khi ra – vào bến, trong khi người đi đường đang dồn lại chờ đèn đỏ ngay trước mũi xe. Cá biệt, có những lúc xe buýt còn bỏ bến vì đường đông quá, không thể vào bến được, gây bức xúc cho hành khách.

Theo tôi, nếu cần bảo đảm các điểm dừng xe buýt không cách nhau quá xa, quy hoạch bến xe buýt chỉ cần tịnh tiến tất cả điểm dừng, vượt qua các ngã tư, ngã ba khoảng 20-30 m để giảm áp lực giao thông.

Tôi có cơ hội tiếp xúc với các kiến trúc sư, nhà quy hoạch cảnh quan người nước ngoài. Họ thường đặt câu hỏi với chủ đầu tư người Việt Nam: “Tình hình giao thông hiện tại xung quanh công trình sắp xây dựng của các bạn ra sao? Có điểm tắc nghẽn nào không?”. Sau khi làm rõ các câu hỏi này, họ mới đi đến bước tiếp theo là đưa ra bản vẽ hay lời tư vấn về kiến trúc, chiều cao công trình, mật độ xây dựng…

Đây cũng chính là câu hỏi mà những người làm quy hoạch đô thị nói chung và quy hoạch giao thông nói riêng của Việt Nam nên lưu ý trước khi đặt thêm các công trình giao thông phụ trợ như nhà chờ xe buýt trên các tuyến đường.