Số tiền đề xuất chi lần đầu mua sách đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn dùng khoảng 3.500 tỉ đồng, hằng năm bổ sung khoảng 20%.

Chính sách nhân văn này sẽ đỡ đần gánh nặng chi phí học hành của phần lớn gia đình có con trẻ đến trường. Mỗi năm học mới, việc mua sách giáo khoa khiến nhiều phụ huynh lo toan, đặc biệt là trong bối cảnh Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với những bộ sách “khổ to, giấy đẹp” giá cao ngất lại chẳng thể tái sử dụng.

Tuy nhiên, nguồn ngân sách khổng lồ bỏ ra để mua sách giáo khoa cũng là điều dư luận băn khoăn. Nước ta còn nhiều khó khăn, từng đồng thuế nhân dân đóng góp phải tính toán chi tiêu cẩn trọng, nhất là khi dự án còn khá mơ hồ về tính hiệu quả và phương án triển khai tổ chức thực hiện từ cấp trung ương đến từng cơ sở trường học.

Không phải tất cả gia đình đều khó khăn trong khâu trang bị sách giáo khoa đầu năm học cho con, thậm chí nhiều gia đình khá giả còn sắm 2 bộ: 1 bộ để ở trường và 1 bộ học ở nhà. Vì vậy, cần khảo sát thực tế nhu cầu mượn sách giáo khoa sử dụng miễn phí ở các trường học, từ đó xác định chính xác cần đầu tư bao nhiêu tiền từ ngân sách, đầu tư mạnh vào địa bàn nào, đặc biệt hướng đến đối tượng học sinh khó khăn, học sinh vùng núi, vùng sâu, vùng xa!

Cách thức vận hành nguồn tiền chi về các trường học để mua sách, cam kết bảo quản sách, giáo dục học sinh ý thức giữ gìn sách để nhiều lớp học sau có thể tái sử dụng, chế tài đi kèm nếu sách hư hỏng hoặc thất lạc… Tất cả đều cần được xây dựng kế hoạch bài bản, chi tiết, chỉn chu và quan trọng nhất là tạo ra được hiệu quả thiết thực, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội.

Thẳng thắn nhìn nhận vào thực tế giáo dục nước nhà, gánh nặng chi phí mua sắm sách giáo khoa xuất phát từ chủ trương một chương trình – nhiều bộ sách giáo khoa. Mỗi môn học chọn một bộ sách riêng, mỗi trường học lại chọn một sách khác biệt. Nên học sinh chuyển trường phải mua sách mới, học sinh lớp dưới không thể kế thừa sách cũ của anh chị đi trước gửi cho.

Nên chăng thay vì đề xuất nhà nước chi 3.500 tỉ đồng để mua sách giáo khoa cho học sinh mượn miễn phí thì hãy dùng khoản kinh phí khổng lồ này để xây trường vùng cao, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất trường lớp cho nhiều địa bàn còn khó khăn. Song song với đó là kế hoạch lâu dài đưa sách giáo khoa trở lại với “chiếc áo” vốn có: thông dụng, dùng chung, tái sử dụng nhiều lần.