Hiện nay phải thừa nhận cơ quan quản lý chuyên môn vẫn chưa thể quản lý và kiểm soát hết vấn đề VSATTP. Dù gần đây đã có hàng trăm vụ việc vi phạm bị phát hiện và xử lý; hàng trăm trường hợp bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền rất nặng, lên đến hàng trăm triệu đồng cùng vài trường hợp bị xử lý hình sự, phạt tù… nhưng cũng không “ăn thua”. Thực phẩm bẩn vẫn tràn lan. Điều đó đồng nghĩa hàng triệu bữa cơm hằng ngày của các gia đình vẫn hiện hữu thực phẩm bẩn.

Đã đến lúc việc quản lý thực phẩm cần phải được coi là nhiệm vụ cấp thiết, cần đặt lên hàng đầu để có những quy định, nhiệm vụ và hành động cụ thể trong thời gian tới.

Để làm được điều đó, trước hết, cần tăng cường lực lượng làm công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống và các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm. Hiện nay, lực lượng cũng như biên chế làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát về VSATTP còn quá mỏng, thậm chí còn thiếu và yếu. Do vậy, việc tăng cường biên chế lực lượng làm nhiệm vụ để đáp ứng tình hình cũng như yêu cầu nhiệm vụ hiện nay dẫu có thể sẽ có thêm khó khăn cho ngân sách nhưng không còn cách nào khác, bởi đây là sức khỏe của người dân.

Kế đến, phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, các hành vi bị nghiêm cấm, các nguyên tắc cũng như đạo đức nghề nghiệp trong buôn bán, kinh doanh, nhất là đối với các tiểu thương kinh doanh, buôn bán thực phẩm tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Khuyến khích và cần có chính sách khen thưởng xứng đáng cho cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin, tố giác các thủ đoạn, hành vi tổ chức, kinh doanh, buôn bán thực phẩm bẩn.

Đặc biệt, rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật hiện hành, tăng nặng mức phạt tiền, truy cứu trách nhiệm hình sự kịch khung đối với các hành vi mua bán, kinh doanh thực phẩm độc hại, đầu độc sức khỏe của người tiêu dùng.