. Luật sư TRẦN MINH HÙNG (Đoàn Luật sư TP HCM):

Mua có nơi, bán có chỗ

Tại Việt Nam, “mặt tiền” nhà cửa thường được người dân tận dụng triệt để, biến thành “lãnh địa” riêng để bày biện hàng quán kinh doanh, giữ xe, trồng cây kiểng…, đẩy người đi bộ xuống lòng đường.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định rõ lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông (khoản 1, điều 36). Khoản 2 điều 35 văn bản hợp nhất 15/VBHN-VPQH Luật Giao thông đường bộ cũng nói rõ tụ tập đông người trái phép trên đường bộ, hay gây cản trở giao thông là hành vi lấn chiếm vỉa hè trái phép… Ngoài ra, riêng tại TP HCM cũng có nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh trật tự đô thị, dọn dẹp vỉa hè; các quận, huyện cũng liên tục ra quân để xử lý nhưng rồi như “bắt cóc bỏ dĩa”, chỉ một thời gian ngắn thì đâu lại vào đấy.

Vậy giải pháp là gì? Cần tập trung vào ý thức của người vi phạm và công tác quản lý. Song song với việc tuyên truyền, giải thích, vận động người dân không tụ tập buôn bán trên lòng đường, vỉa hè, khu công cộng…; phải quyết liệt xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè tại các khu công cộng, công viên, cổng trường học, bệnh viện, xí nghiệp… và một số tuyến đường trọng điểm; yêu cầu chủ quán không tái lấn chiếm, khi đã xử phạt mà còn cố tình vi phạm thì tước giấy phép kinh doanh. “Làm sạch” địa bàn rồi thì bàn giao cho địa phương quản lý; nếu để tái chiếm, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Trong thời đại công nghệ, cần tận dụng xử phạt qua camera vì hiện nay, mạng lưới camera tại thành phố không thiếu.

Một vấn đề phải tính đến để việc thực thi quy định được nghiêm túc mà nhân văn, thu được thuế sử dụng vỉa hè và tạo được nét văn hóa riêng là mỗi địa phương cần tính toán và làm tốt công tác quy hoạch, sao cho “mua có nơi, bán có chỗ”.

. Luật sư NGUYỄN THỊ BẠCH TUYẾT (Đoàn Luật sư TP HCM):

Nên phát triển kinh tế “đặc sản” vỉa hè

Rất nhiều người bạn nước ngoài của tôi khi đến TP HCM, TP Hà Nội du lịch đã chia sẻ rằng họ rất thích cảm giác ngồi nhâm nhi ly bia, cà phê cùng bạn bè bên vỉa hè, ngắm cuộc sống thường nhật. Họ nhìn thấy được phần nào sức sống của một con phố, nếp sinh hoạt của một bộ phận cư dân địa phương qua không gian công cộng mang tên vỉa hè. Nhiều người cho rằng hoàn toàn có thể tận dụng vỉa hè để phát triển thành “đặc sản” bởi tiềm năng lợi ích kinh tế mà vỉa hè mang lại rất lớn.

Tuy nhiên, để phát triển tốt kinh tế “đặc sản” này, trước hết phải quản lý được trật tự vỉa hè, lòng đường. Điều này phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của các cơ quan chức năng. Để hài hòa lợi ích, nên nghiên cứu đề xuất cho thuê một phần vỉa hè. Khi đó, khu vực vỉa hè sẽ được khai thác một cách trật tự, ngăn nắp và nhà nước cũng thu được một nguồn ngân sách nhất định. Tuy nhiên, chỉ nên cho thuê ở những nơi có vỉa hè rộng, thoáng trên 2 m để bảo đảm quyền lợi cho người đi bộ.


Đâu khó để dẹp lấn chiếm vỉa hè! (*): Xây dựng quy tắc và hàng rào pháp lý - Ảnh 1.

Cần tính toán và làm tốt công tác quy hoạch, sao cho “mua có nơi, bán có chỗ”. Ảnh: THIỆN AN

. KTS PHAN TẤN LỘC (Việt kiều Pháp):

Vỉa hè chỉ để đi bộ là lãng phí

Vỉa hè là nét văn hóa, nếp sinh hoạt đặc thù của người Việt và cũng là nơi kiếm sống của nhiều người.

Hiện nay, trong việc tổ chức sử dụng vỉa hè, chúng ta đang thiếu cách bố trí, phân định yếu tố không gian. Phải hiểu rằng không gian vỉa hè không chỉ dành cho người đi bộ mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa, kinh tế – xã hội nên phải được tổ chức và sử dụng sao cho dung hòa. Nếu cho kinh doanh thì phải tạo điều kiện, bố trí không gian thích hợp, còn không thì phải cấm.

Ví dụ, đoạn từ cầu Công Lý đi ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Võ Thị Sáu (quận 3, TP HCM), chúng ta cho phép nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ hoạt động nhưng không gian trên vỉa hè lại được thiết kế trồng mảng cỏ đan xen giữa các cây xanh, thay vì thiết kế chỗ đậu xe máy. Muốn đón khách, các cơ sở này phải tận dụng lòng đường hoặc khoảng trống còn lại trên vỉa hè để đậu xe, “vô tình” giành hết mặt đường còn lại của người đi bộ.

Giải pháp cho vấn đề trên là nên phân định vỉa hè thành hai phần: Phần sát mặt tiền đường làm chỗ đậu xe hoặc có thể cho phép kinh doanh; phần đường bên trong dành cho người đi bộ. Vỉa hè rộng mà chỉ sử dụng để phục vụ đi bộ là lãng phí một nguồn lực lớn.

Nếu làm được việc quy hoạch từng khu vực để phục vụ kinh doanh, quy định mức phí sử dụng vỉa hè theo từng địa phương thì sẽ hài hòa được lợi ích đôi bên, vừa giúp có thêm ngân sách vừa giúp người dân mưu sinh. Qua đó, cũng dễ kiểm soát được vệ sinh an toàn thực phẩm và trật tự đô thị.

Nhưng trước hết, nhà nước phải xây dựng những quy tắc và hàng rào pháp lý để người dân tuân thủ. Hộ kinh doanh nào đáp ứng các quy tắc đó thì cho bán, nếu không thì phải tự dẹp hoặc bị chế tài.

Luật sư BÙI QUỐC TUẤN (Đoàn Luật sư TP HCM):

Vận dụng đúng, đủ quy định pháp luật

Nhiều người sở hữu nhà mặt tiền thường mặc định phía trước là của mình nên thoải mái lấn chiếm vỉa hè. Thế nhưng, việc “hiển nhiên” đó lại vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến người khác và trật tự an toàn giao thông.

Quy định pháp luật, chế tài xử phạt đã có. Để chấm dứt tình trạng này, phải vận dụng đúng, đủ quy định của pháp luật. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần xem việc lập lại trật tự đô thị là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện để có giải pháp đồng bộ và hiệu quả.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-11