Thành phố nào cũng phải có vỉa hè và cũng muốn “đường thông, hè thoáng” nhưng mỗi thành phố có những cách làm khác nhau. Ở TP HCM, khi dân số mới khoảng gần 3 triệu người, vỉa hè chưa thành vấn đề lớn. 

Khi dân số tăng lên hơn 10 triệu người nhưng hạ tầng giao thông tăng rất chậm – tạo ra tình trạng “đất hẹp, người đông”, áp lực mưu sinh đã thúc đẩy người dân tràn ra vỉa hè làm ăn buôn bán và đã hình thành một loại hình kinh tế gọi là “kinh tế vỉa hè”.

Khó đòi vỉa hè cho người đi bộ

Theo cuốn sách Sidewalk City (Thành phố vỉa hè) của GS Annattle, kinh tế vỉa hè cung cấp 30% việc làm và lương thực thực phẩm cho TP HCM. Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế vỉa hè tạo ra 11%-13% GDP cho TP HCM. 

Một nghiên cứu khác đưa thông tin những năm qua, kinh tế vỉa hè đã tạo ra 11 triệu việc làm trên tổng số 22 triệu việc làm trong khu vực kinh tế phi chính thức, tức khoảng 10% dân số cả nước dựa vào vỉa hè để mưu sinh. Đó là vai trò kinh tế – xã hội không thể xem nhẹ của vỉa hè.

Ngay từ đầu, TP HCM đã có những quy định rõ ràng về sử dụng vỉa hè và tiến hành nhiều đợt “lập lại trật tự vỉa hè” nhưng chưa thành công. Vậy nguyên nhân từ đâu và cần giải bài toán vỉa hè như thế nào? 

Tuy giải bài toán vỉa hè không có nghĩa là sẽ tìm ra “liều thuốc tiên” chữa lành căn bệnh mà chỉ như làm “xét nghiệm” về những yếu tố cơ bản gây ra căn bệnh ấy, từ đó có thể dự đoán mặt nào có thể chữa lành nhanh hay chậm, mặt nào như “mạn tính” phải chấp nhận lâu dài…?

Đâu khó để dẹp lấn chiếm vỉa hè! (*): Vỉa hè đô thị và giải pháp trung hòa - Ảnh 1.

Cần tổ chức, quy hoạch lại vỉa hè, bảo đảm tính công bằng theo nguyên tắc phải thu phí sử dụng Ảnh: THIỆN AN

Nhìn lại các đợt thực hiện “lập lại trật tự vỉa hè” với khẩu hiệu “trả lại vỉa hè cho người đi bộ”, trong đó điển hình là chiến dịch giải tỏa vỉa hè kéo dài 3 đợt diễn ra rất quyết liệt ở quận 1. Đợt thứ nhất, vào tháng 2-2017, đợt thứ hai vào tháng 4-2017 và đợt thứ ba là tháng 7-2017. 

Tất cả đều rất rầm rộ và quyết liệt, với nhiều cảnh giằng co, van nài, ngăn cản, nổi nóng, to tiếng, xử phạt tại chỗ…; có xe tải chở đồ tịch thu vì buôn bán trái phép trên vỉa hè, xe hơi bị cẩu đi vì đậu không đúng chỗ…; xe gầu múc phá vỡ những bức tường và những mái; xe đục bê-tông phá vỡ những bậc thềm xây lấn vỉa hè… 

Nhưng khi chuyển sang giải tỏa khu khác thì chỉ vài ngày sau, nhiều đoạn vỉa hè vừa giải tỏa xong lại bị người buôn bán nhỏ “tái chiếm”. Những người thực hiện giải tỏa đã nói: giống như “bắt cóc bỏ dĩa”, “ném đá ao bèo” vì không thể đủ người để canh chừng tất cả vỉa hè trong quận…

Vỉa hè phải đa năng

Từ thực tế đó rút ra bài học gì? Một là, dùng “biện pháp cứng” có thể đạt kết quả nhanh chóng ở từng đoạn vỉa hè nhưng không thay đổi được nguyên nhân cơ bản là mật độ dân số và phương tiện giao thông đã cao hơn nhiều so với sức chứa của hạ tầng đô thị trên quy mô toàn thành phố. Dân số, mật độ và hạ tầng giao thông thì không thể thay đổi trong chương trình ngắn hạn và gần như “mạn tính”. Hai là, giải tỏa vỉa hè là cản trở “kinh tế vỉa hè”. 

Vậy giữa thiệt hại kinh tế và khó khăn cho người đi bộ, bên nào quan trọng hơn? Ba là, một bộ phận không nhỏ người nghèo buôn bán kiếm sống trên vỉa hè, nếu giải tỏa triệt để thì đối tượng phải xóa đói giảm nghèo sẽ tăng bao nhiêu? 

Mặt khác, người đi bộ ở thành phố ngày càng ít đi do số lượng phương tiện giao thông ngày càng nhiều hơn và gần như chưa có trường hợp nào “ùn tắc người đi bộ” trên vỉa hè.

Ba vấn đề nêu trên cho thấy không thể lựa chọn theo hẳn bên nào mà phải tìm giải pháp trung hòa, tức là phải chấp nhận tình trạng vỉa hè đa năng chứ không chỉ dành riêng cho người đi bộ. Trên thực tế, vỉa hè đã mang tính đa năng, trong đó chức năng để đi bộ không phải là chính, mà còn là không gian mưu sinh của nhóm “dân nghèo thành thị”. 

Thậm chí có lúc, có nơi công an phải cho xe máy thoát đi từ hai bên vỉa hè để giải cứu điểm ùn tắc kéo dài… Do thành phố không đủ bãi giữ xe cho 7 triệu xe máy nên vẫn phải sử dụng vỉa hè. Có thể nói: xe máy – vỉa hè – mặt tiền như bộ ba “cộng sinh” – đó là mô hình vỉa hè đa năng.

Cuộc sống đô thị ngày nay buộc vỉa hè phải đa năng. Tuy nhiên, không phải là tự phát sử dụng mà là tổ chức, quy hoạch lại vì lợi ích của nhiều đối tượng và bảo đảm tính công bằng theo nguyên tắc phải thu phí sử dụng vỉa hè theo những mức độ khác nhau, ở từng khu vực khác nhau. Vỉa hè đa năng là giải pháp trung hòa nhưng lợi ích của người dân được ưu tiên hơn các mặt khác.

Kiên quyết xử lý, xóa tan lời “đồn đoán”

“Bàn ghế chiếm trọn vỉa hè, nhân viên tràn xuống lòng đường, âm thanh hỗn loạn, giao thông dồn ứ… là cảnh thường thấy mỗi buổi tối tại khu vực trung tâm TP HCM”. Đọc thông tin này trên Báo Người Lao Động, tôi lại nhớ lời của người cán bộ khu phố nói về tình trạng lấn chiếm vỉa hè nhưng ban điều hành khu phố “bó tay”.

Anh ấy nói: “Tôi đã nói với công an và chính quyền phường là các anh chị không dẹp được tình trạng chiếm dụng lòng lề đường làm nơi kinh doanh buôn bán, người dân nghĩ các anh chị đã bị “mua”.

Để xóa tan những lời đồn đoán, tạo niềm tin của người dân với cơ quan quản lý nhà nước, tôi nghĩ chính quyền địa phương phải kiên quyết xử lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường làm nơi kinh doanh buôn bán và đậu xe. Nếu có nhu cầu đỗ xe và được kinh doanh trên phần vỉa hè cho phép thì phải có thu phí rõ ràng, nộp vào ngân sách, đồng thời bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Nên thường xuyên kiểm tra đột xuất thực địa và xử lý nghiêm, triệt để vi phạm.

Bích Chi

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-11