Nhiều năm ăn Tết xa quê tất nhiên nỗi nhớ người thân, xóm làng là không kể xiết. Nhưng còn một nỗi nhớ nữa là nhớ món ăn truyền thống gia đình. Các món quen thuộc như bánh giò, bánh tét, thịt kho, khổ qua, dưa kiệu… cộng đồng người Việt ở Pháp đều có cả, dễ mua mà cũng dễ làm. Riêng cái món truyền thống nhà tôi thì ắt hẳn khó làm, ngay cả ở Việt Nam nhà tôi cũng chỉ có vào dịp Tết và tất nhiên là không hề có nơi nào bán. Món ăn này có cái tên gần như là thứ bỏ đi nhưng hương vị thì cực kỳ ấn tượng, xin thưa đó là món: Xà bần!

Gọi xà bần vì nó được ô hợp từ nhiều món ăn dư thừa dồn lại. Vâng, bạn không đọc lầm đâu, “đồ thừa” thật đấy.

CUỘC THI VIẾT HƯƠNG VỊ TẾT: Tết trên đất Pháp, nhớ món xà bần - Ảnh 1.

Món xà bần truyền thống của gia đình tôi vào dịp Tết

Năm nào cũng vậy, mâm cơm cúng rước ông bà chiều 30 Tết nhà tôi gồm 3 con gà, vịt luộc; 1 cái cù lao thập cẩm; 1 món cải rổ xào, 1 dĩa mì sụa xào cùng chả lụa, paté, lạp xưởng… Nồi nước luộc gà, vịt và các thứ nguyên liệu khác sẽ là nồi nước dùng tâm điểm cho cái cù lao và nồi xà bần sau này.

Cúng kiếng, ăn uống xong, thường thức ăn chỉ vơi đi nhiều lắm là 1/3. Vậy là tất cả hầu như dồn vào nồi xà bần. Thử nhẩm tính xem có bao nhiêu nguyên liệu, thực phẩm trong nồi xà bần nhé. Gà, vịt thì hẳn rồi. Heo thì gồm thịt nạc lưng, ba rọi, thịt bằm vò viên, gan, phèo, lưỡi, cật, bao tử, dồi trường, huyết và tất nhiên không thể thiếu vài cây xương ống cho ngọt. Các món xào góp vào nào là chả cá thác lác, chả lụa, tôm, mực, cải rổ, cải bẹ trắng, tàu hũ ki, da heo khô, măng khô và vài loại củ quả tạo vị ngọt như củ sắn, củ cải trắng. 

Có lẽ không có món ăn nào quy tụ hơn 20 loại thực phẩm khác nhau như món xà bần nhà tôi. Và có lẽ cũng vì vậy mà nó có hương vị hết sức độc đáo và khác biệt. Đặc biệt cách nấu vô cùng đơn giản, chỉ đổ dồn vào nồi rồi nấu cho cạn nước dần là được.

Ba tôi kể tuổi thơ ông hơn nửa thế kỷ trước đã có món ăn truyền thống ngày Tết này rồi. Nghe đâu nó xuất xứ từ bên Trung Quốc mà ông nội tôi mang sang. Ba nói nội kể ngày xưa bên Trung Quốc còn nghèo lắm, tết nhứt ăn uống không dám bỏ thừa thứ gì, còn nhiều còn ít cũng dồn hết vào nồi hâm ăn tới ăn lui 3 ngày Tết. Tất nhiên là nó không ngon như nồi xà bần khá giả sau này nhưng cũng mang một giá trị cội nguồn vậy.

Ba kể bà nội là người rất quan tâm và quán xuyến sát sao nồi xà bần. Ngày xưa chưa có tủ lạnh, tủ đông như bây giờ nên việc chiết ra từng nồi nhỏ ăn dần hay hâm mỗi ngày mấy cữ rất cần thiết và vất vả. Nội có tới 10 người con, người thân bên nội, ngoại cùng tá túc ăn Tết nên nồi xà bần của nội thường rất “khủng” mới đáp ứng đủ 4-5 ngày Tết.

Vậy mà có một năm, nồi xà bần của nội “bốc hơi”, cạn kiệt chỉ sau 1 ngày đầu năm, đó là năm Mậu Thân 1968. Nhà nội có một tầng lầu, sát bên là con hẻm. Chiến sự năm đó khiến dòng người từ ngoại ô tản cư vào con hẻm lánh nạn. Vậy là một chiến dịch “anh nuôi” hình thành từ trong nhà nội. Mấy nồi cơm nấu suốt cùng với nồi xà bần được “thả dây” chuyền xuống cho dòng người lánh nạn. Có lẽ đó là một hình ảnh gắn kết cộng đồng hy hữu, một chiến tích có một không hai của nồi xà bần!

CUỘC THI VIẾT HƯƠNG VỊ TẾT: Tết trên đất Pháp, nhớ món xà bần - Ảnh 2.
CUỘC THI VIẾT HƯƠNG VỊ TẾT: Tết trên đất Pháp, nhớ món xà bần - Ảnh 3.

Nồi xà bần và mâm cơm đầu năm với duy nhất món xà bần tết năm nay ba tôi vừa chụp gởi cho tôi

Tất nhiên, đối với đại gia đình tôi thì nồi xà bần đã là người bạn tri kỉ qua 4 thế hệ rồi. May mắn là thế hệ nào, dù cuộc sống, thời cuộc, quan điểm có khác biệt chuyện này chuyện kia nhưng đều “nhìn” về nồi xà bần với cùng một hướng, một ý nguyện, mong chờ. Hàng chục năm qua ba vẫn là người giữ lửa cho nồi xà bần luôn sáng mãi hương vị tình thân.

Ông bà nội từng nói muốn thấy con cháu đề huề, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau để tạo nên tình thân, sức mạnh, giống như sự hòa quyện của các loại thực phẩm để tạo nên hương vị đặc biệt của nồi xà bần. Vâng, hương vị của nồi xà bần có đậm đà, ngọt ngào phải được hâm mãi dưới ngọn lửa hồng. Cũng như tình thân gia tộc có dạt dào, cô đọng cũng phải được hâm đi hâm lại bằng ngọn lửa tình thương, nỗi nhớ.

Vậy là một thông lệ đã hình thành ít nhất từ 60 năm qua là mâm cơm đầu năm nhà tôi chỉ có duy nhất món xà bần. Và người tạo nên thông lệ đó – bà nội tôi – giờ vẫn vui vầy bên con cháu với tuổi xuân vừa tròn trăm.

Trong giờ phút thiêng liêng ngày Tết, tôi muốn cảm ơn ông bà nội, ba má và mọi người thân trong gia tộc đã khai sáng và cùng nâng niu, giữ gìn hình ảnh một món ăn truyền thống gia đình. Một món ăn gắn liền với ý nghĩa của sự gắn kết, sum vầy. Nên dù đang ở trời Tây giá lạnh tôi cũng thấy lòng ấm lại khi liên tưởng tới món xà bần thơm lừng, sóng sánh hương vị tình thân.