Từ dạo con gái bảo thích trồng hoa sen, ba lọ mọ đặt chậu xi-măng để ở trước sân để trồng sen, rào lại hàng lưới sắt có cây hoa giấy leo lững thững. Mớ bùn được ba lấy từ triền đê cạnh ruộng lúa, bỏ vào bao chở về. Hạt sen loại mini được cắt đầu, ươm mầm, rồi thả vào hồ đã chuẩn bị sẵn nước, bùn, phân bón. Thế rồi chẳng mấy chốc, trước hiên nhà tự lúc nào chợt bừng sáng những đóa sen hồng tươi rung rinh.

Ban đầu, ba chưa nghĩ tới việc làm trà hoa sen. Sau mấy lần ngồi trước sân, nhìn vườn nhớ con gái, ba chợt thấy tiếc những cánh sen rực rỡ dần úa tàn. Ba mày mò tìm hiểu cách phơi khô hoa sen để làm trà. Uống thử thấy ngon nhưng hoa ít, ba để dành tới Tết chờ con gái về uống thử. Dần dà, trà hoa sen của ba trở thành “trà giao thừa” của gia đình, không thể thiếu mỗi dịp xuân về.

CUỘC THI VIẾT HƯƠNG VỊ TẾT: Nhớ lắm “trà giao thừa” của ba - Ảnh 1.

Những bông sen tươi nhất được ba lựa để làm “trà giao thừa”

“Trà giao thừa” được làm từ những bông sen tươi nhất. Ba tỉ mỉ gấp các cánh chụm vào đài hoa, xếp lớp gọn gàng. Ba kể hồi đầu, ba chưa quen tay nên thường làm dập, rách cánh. Sau này, có kinh nghiệm hơn, khi ngắt hoa xuống ba thường để “nghỉ” tầm nửa buổi để cánh hoa héo bớt, dai và khô hơn rồi mới bắt đầu gấp.

Những bông sen sau khi gấp gọn cánh được ba xếp vào cái nia bằng nứa. Nia sen phơi dưới ngọn nắng giòn là tốt nhất bởi nắng càng to thì trà sen càng giữ được lâu. Phơi tới khi đài hoa từ vàng tươi chuyển sang đen nâu, cánh màu hồng dần nhạt thành màu trắng sữa là đạt. Hoa sen khô lúc này hệt một đóa hoa giả bằng lụa, trông vô cùng thích mắt.

Những bông sen khô thành phẩm được ba bỏ vào túi, hút chân không rồi treo bên chái bếp như để hong khô thêm cái tinh túy từ nắng còn sót lại.

CUỘC THI VIẾT HƯƠNG VỊ TẾT: Nhớ lắm “trà giao thừa” của ba - Ảnh 2.

Bông sen nổi bồng bềnh trên mặt nước trà, lợn cợn bên dưới mấy lá trà Thái

Giao thừa, trên mâm cúng ngoài sân sẽ có một ấm trà hoa sen nhà làm. Ba bỏ vào ấm ít trà Thái, sau đó cẩn thận thả hoa sen khô vào và châm nước sôi. Nước đầu là nước tráng trà, ba chắt hết ra rồi đổ đi. Tiếp đến, ba châm nước nóng ngập ấm, đậy nắp lại. Cả gia đình ngồi quây quần chờ thưởng thức vị trà đắng nhẹ nơi đầu lưỡi và thoang thoảng hương thơm đặc trưng của hoa sen tạo nên dư vị thanh khiết khó tả.

Sau ba tuần trà, nghi thức cúng sân và đón ông Táo đã hoàn thành, cả nhà ngồi quây quần bên bàn ghế đá trước hiên, kể cho nhau nghe những chuyện đã qua, mong những điều tốt đẹp cho năm tới.

Năm nào cũng thế, cả nhà lại thức cùng nhau để đón thời khắc chuyển giao trọng đại của đất trời bên ấm trà và mấy loại bánh mứt, không thiếu bình hoa lay ơn nhung. Chúng tôi trân trọng từng giây phút bên nhau hệt cái cách ba nâng niu từng đóa hoa sen khi làm “trà giao thừa”.

Một năm với bao bộn bề vất vả, mỗi đứa chúng tôi đều “bán” thời gian cho những nơi xứ lạ. Có mệt mỏi, có tủi thân, thậm chí là muốn bỏ cuộc không ít lần, nhưng trong giây phút giao thừa đêm 30 Tết, mọi nhọc nhằn đều bỏ lại phía sau.

Năm nay là cái Tết thứ tư tôi nhớ vị đắng thuần tịnh của ly “trà giao thừa”. Hoa sen ngoài hiên vẫn bung nở nhưng người gấp cánh đem phơi dưới nắng giòn đã bước qua miền miên viễn xa xôi. Những giao thừa trống vắng, hiếm dần tiếng nói cười trong trẻo. Giữa thời khắc đất trời chuyển mùa, trên bàn đá vẫn nguyên ấm trà sen như ngày còn ba…

CUỘC THI VIẾT HƯƠNG VỊ TẾT: Nhớ lắm “trà giao thừa” của ba - Ảnh 3.
CUỘC THI VIẾT HƯƠNG VỊ TẾT: Nhớ lắm “trà giao thừa” của ba - Ảnh 4.