Ngày bé, nhà tôi nghèo lắm. Vì tương lai cho con cái mà ba mẹ đành để lại tôi ở nhà cùng bà nội khi mới 3 tuổi để vào thành phố làm lụng kiếm tiền. Căn nhà nghèo nhìn qua nhìn lại vắng thưa người đã trống lại càng trống hơn. 

Nhà nội tôi cấp 4, xây dựng từ lâu nên chẳng có chỗ nào chắc chắn, đủ kín đáo để tìm hơi ấm những ngày gió đông. May mà còn cái chái bếp đơn sơ bập bùng ánh lửa những chiều hôm. 

Cuộc thi viết Hương vị Tết: Nhớ hoài chái bếp xưa - Ảnh 1.

Chái bếp dù cũ kỹ nghèo nàn cũng không bao giờ mất đi mùi khói nồng đặc trưng

Thoạt nhìn, không gian nhà bếp thật chật hẹp và u tối. Vách gạch xung quanh màu đỏ đã chuyển thành đen. Trên mái ngói, mồ hóng bám đầy. 

Những ngày trời mưa dầm dề, gió tạt ướt nơi để củi. Củi chụm vào bếp lửa hiu hiu rồi tắt ngấm chẳng bừng sáng nổi. Bà tôi phải lấy cái ống thổi lửa dùng hết sức mình thổi phù phù vào bếp mong lửa cháy. Nhưng củi ướt quá, bà thổi cả buổi chẳng ăn thua. Hết bà tới lượt tôi. Tôi dùng hết sức mạnh thổi đến đỏ bừng cả mặt, lửa mới chịu nhen nhóm dần. Bà tôi liền đút vào một ít bã mía. Lửa phựt sáng bất ngờ. Hai bà cháu mừng gì đâu!

Ngọn lửa mang lại nguồn năng lượng cho cơ thể đến lạ kỳ. Trời rét là vậy mà hơ đôi tay một lát là cả người ấm hẳn lên. Cả chái bếp rực rỡ màu đỏ ngỡ như trời đang nắng. 

Những điều hay hay vẫn còn đây, còn trong nồi cơm ấm lòng con trẻ mỗi sớm mai, còn trong nồi cám bà nấu cho heo… Nồi cám tỏa mùi thơm ngon không khác gì món ăn đậm đà hương vị. Có lẽ nồi cám đượm màu khói đen và pha chút tro tàn màu bạc nên nó mang nét đặc biệt. Nồi cơm cũng vậy. Dường như cơm nấu bằng bếp củi ngon hơn nấu điện thì phải, dù nó hơi mất chút thời gian. Nồi cơm của bà tôi ăn ngon thật ngon, no thật no. Nhưng nếu chỉ có cơm lạc mắm mặn sẽ không thể nào kích thích vị giác nơi đầu lưỡi. Một nồi thịt kho chính là chất xúc tác cho những chén cơm mau vơi, nồi cơm chóng hết.

Tôi là đứa cực kỳ thích thịt kho. Nếu không gọi là “tín đồ thịt kho”, tôi không biết dùng từ nào khác nữa. Trong những bữa cơm, nhất là ngày đông lạnh không biết ăn gì, thì chỉ cần sự xuất hiện của vài lát thịt kho rưới thêm nước thịt lên là chén cơm trở thành đặc sản trong mắt tôi. Mà chỉ là món thịt kho do chính tay bà nấu từ chiếc nồi đen thui lọ bếp mới hấp dẫn!

Cuộc thi viết Hương vị Tết: Nhớ hoài chái bếp xưa - Ảnh 2.

Vào những ngày đông lạnh, sự xuất hiện của vài lát thịt kho rưới thêm nước thịt là chén cơm trở thành món đặc sản!

Bà tôi là người có tài nấu nướng. Món nào bà nấu cũng ngon, riêng thịt kho là nhất. Thịt bà kho từng lát vàng ươm, vừa đẹp màu vừa thơm mềm, không mặn cũng không đắng, ăn rất vừa miệng. Nhờ thịt ngon mà tôi ăn lấy ăn để hết chén này tới chén khác một mạch 5 chén cơm liền. Bà cười trêu: “Món ngon hao cơm”. Tôi chỉ biết cười trừ. Rồi bà lại bảo: “Món ngon là nhờ có đường. Gia vị này sẽ tạo nên sự khác biệt cho món ăn”.

Tôi không hiểu lắm, chỉ biết rằng món ăn đơn sơ được nấu từ chái bếp nghèo đã đi theo mình suốt những năm tháng tuổi thơ từ mùa đông cho đến cả mùa Tết. Bữa cơm nghèo trong ngày Tết chẳng có gì cao sang rườm rà ngoài nồi thịt kho và nồi cơm. Chỉ có thế thôi mà ấm cả lòng, vui cả dạ. Bởi lẽ, còn gì hạnh phúc hơn khi cả nhà quây quần bên nhau ăn bữa cơm gia đình ấm cúng và cùng chuyện trò rôm rả, tiếng cười ngập tràn hơi ấm yêu thương; còn gì ngon bằng khi cơm dẻo thịt thơm đượm hương vị Tết được nấu từ tay bà ở chái bếp quen thuộc kia. 

Đôi tay bà dù có chai sạn hay nhăn nheo bởi gió sương cuộc đời vẫn luôn đảm đang nấu nướng. Chái bếp dù cũ kỹ nghèo nàn cũng không bao giờ mất đi mùi khói nồng đặc trưng tỏa ra từ ánh lửa bập bùng. Tất cả đã thành kỷ niệm, thành hình ảnh in đậm nơi tâm trí tôi. 

Giờ đây, mọi chuyện xung quanh đổi khác rất nhiều. Ngôi nhà cấp 4 ngày xưa được xây lại rộng và đẹp hơn. Chái bếp xưa cũ tỏa khói lam chiều không còn nữa mà thay bằng nhà bếp đàng hoàng hơn. Cuộc sống thì phải ngày một hiện đại và khá giả nhưng khi vắng bóng những hình ảnh quen thuộc, tôi cứ nghe lòng tiếc nhớ với một cảm giác khó tả.

Tôi là người như thế. Những gì đẹp đẽ của năm tháng tuổi thơ, tôi không bao giờ quên. Làm sao quên được khi tôi từng trải qua những ngày tháng nghèo khó, miếng thịt có khi là xa xỉ. Làm sao quên được những đêm lạnh, tôi cùng bà ngồi hơ tay nơi chái bếp, dù đầy mồ hóng và khói tro mà đong đầy yêu thương. Ở nơi đó hiện diện hai con người với hai tâm hồn, một trẻ một già mà hòa chung sự rung động nơi trái tim. Bà thương cháu và cháu quý mến bà biết bao. Thứ tình cảm ấy không gì có thể sánh bằng. Nó được chứng minh qua những lần bà hơ tay ấm rồi áp vào tay tôi truyền nguồn năng lượng, qua những lần có gì ngon bà cũng dành riêng cho tôi và đặc biệt, khi tôi thèm thịt kho thì bà lại nấu ngày. 

Bà tôi Tết này đã già hơn xuân nào. Thời gian có chừa ai đâu! Dù tóc bạc da mồi, lưng khòm nhưng đôi tay bà vẫn khéo léo như ngày nào. Tài nấu ăn của bà vẫn là số 1. Cứ Tết đến xuân về, tôi lại nũng nịu như hồi thơ bé đòi bà nấu món thịt kho. Có lẽ tôi quá chung thủy với món này khi mà giờ đây, trong ngày Tết ê hề những món hấp dẫn. Dù vậy, thịt kho bây giờ kém ngon hơn ngày xưa, không phải do bà nấu nướng “xuống phong độ” mà có lẽ là vì chái bếp thuở nào đã không còn…

Tuổi thơ ơi, bao giờ trở lại cho tôi tìm được mùi khói bếp, tìm được khoảnh khắc hạnh phúc với bữa ăn ngày Tết năm nào, bữa ăn căng bụng với thịt kho đượm nồng hương vị yêu thương…

Cuộc thi viết Hương vị Tết: Nhớ hoài chái bếp xưa - Ảnh 3.
Cuộc thi viết Hương vị Tết: Nhớ hoài chái bếp xưa - Ảnh 4.