Mẹ tôi vốn ưa đơn giản, gọn nhẹ. Bố tôi cũng vậy. Thường Tết, nhà tôi chuộng đặt đồ ăn sẵn. Giò chả, bánh chưng, hoa quả, mứt kẹo… cứ việc ra cửa hàng mua, túi lớn túi bé xách về. Cô út tôi thì khác. Đồ đón Tết, cô tự tay làm tất cả. Bánh chưng tự gói, mứt các loại tự làm. Giáp Tết, cô hay nhấm nháy tôi: “Mai kia xuống gói bánh chưng/làm mứt nhé”. Thế là tôi hồi hộp háo hức, chầu chực đúng ngày đúng giờ, ba chân bốn cẳng chạy xuống nhà cô, xem gói bánh chưng, học… làm mứt.

Dưới con mắt một đứa trẻ mới lớn, sao mà cô giỏi giang, khéo léo thế. Bàn tay thoăn thoắt cắt tỉa nào khoai tây, cà rốt, dừa, bí đao… rồi tẩm ướp theo một công thức thần kỳ nào đó, rồi bắc nồi lên bếp đảo qua đảo lại nhịp nhàng. Loáng cái đã cho ra một mẻ mứt đủ màu sắc. Tôi mở to mắt nhìn thành phẩm, không nén nổi tiếng trầm trồ, hâm mộ tài nghệ của cô ghê lắm. Cô cười cười quảng cáo: “Không kém gì hàng chất lượng cao nhé! Hương vị khỏi chê luôn”.

CUỘC THI VIẾT HƯƠNG VỊ TẾT: Mứt Tết của cô tôi - Ảnh 1.

Sân nhà ngày Tết

Có đợt muốn tự tay “thực hành”, tôi hò hẹn: “Cháu mua sẵn đồ rồi, cô lên nhà dạy cháu làm mứt với”. Cô tỉ mỉ hướng dẫn, còn làm mẫu cho tôi một lượt. Ấy thế mà mấy lượt sau tôi làm vẫn chưa đạt yêu cầu. Cô lại trêu: “Đấy nhé, muốn được như cô chẳng dễ tí nào đâu”.

Làm mứt xong, cô thường chia mỗi loại thành nhiều gói, đem cho nhà tôi, nhà chú Đại, bác Sỉnh, cô Tuyền, mỗi nhà một phần. Thú thật, tôi không chuộng đồ ngọt, nhưng Tết đến không có miếng mứt của cô là thấy thiếu thiếu. Cái vị ngọt ngọt dai dai của mứt khoai tây, ngọt sắc của mứt bí, sần sật, ngậy ngậy của mứt dừa… cô làm trở thành vị đặc trưng ngày Tết của đại gia đình tôi. 

Mùng một Tết, khi cả nhà tụ họp đông đủ chuẩn bị chúc tết họ hàng, lũ trẻ con do tôi cầm đầu chí chóe tranh cướp bằng được mứt “cô Tuyến” để nhấm nháp, xuýt xoa. Tiếng cười, tiếng nói, tiếng nô đùa rổn rảng cả một góc nhà.

CUỘC THI VIẾT HƯƠNG VỊ TẾT: Mứt Tết của cô tôi - Ảnh 2.

Người cô chơi đùa cùng các cháu

Bà nội tôi hay đùa bảo, cô mày cứ thích bày vẽ đủ trò. Cô thì “cãi”: “Bày vẽ gì, tự tay chế biến đồ nó có cái thú vị riêng của nó. Vất vả tý thôi nhưng lúc sản phẩm  ra lò thì sung sướng khó tả lắm!” Nhưng còn một lý do cô tôi hay cặm cụi làm đồ ăn Tết, mãi sau này lớn lên tôi mới hiểu, là để tiết kiệm hơn. Nhà cô khó khăn, mua nguyên liệu về tự nấu đồ cũng là một cách giảm chi phí, rẻ mà lại vui.

Bà tôi có 5 người con, cô là con gái út, được cưng chiều nhất, nhưng số phận cũng long đong lận đận nhất. Trong những lúc tưởng chừng bị nhấn chìm xuống bùn đen, cô đã chèo lái làm chủ cuộc đời mình theo cách của riêng cô: đầy lạc quan, kiên định, quyết đoán, bản lĩnh. Cuộc sống nhiều sóng gió, lo toan, điệp trùng những nốt lặng buồn, song cô tôi lại là người cực kỳ vui nhộn, với biệt tài chọc cười người khác. 

Ai gặp cô cũng phải bật cười. Cô thì lúc nào cũng “phớ lớ” suốt. Tôi biết đằng sau nụ cười kiêu hãnh, tự tôn, tự trọng ấy, che dấu bao nhiêu nước mắt, mồ hôi…

CUỘC THI VIẾT HƯƠNG VỊ TẾT: Mứt Tết của cô tôi - Ảnh 3.

Đại gia đình chụp ảnh kỷ niệm mỗi dịp Tết

CUỘC THI VIẾT HƯƠNG VỊ TẾT: Mứt Tết của cô tôi - Ảnh 4.

Có lần, tôi đưa ông xã tương lai về nhà cô chơi. Cô cặm cụi chuẩn bị vô số món ngon, bày la liệt khắp mâm. Tôi chạy xuống bếp phụ cô dọn bữa, giọng trách móc: “Sao cô làm nhiều món thế, lãng phí quá! Có bấy nhiêu người chẳng ăn hết nổi đâu”. Cô quay sang mắng lại tôi: “Ô hay nhỉ! Tiếp chồng tương lai của cháu gái cô cơ mà. Nhà cô tuy còn khó khăn nhưng chuyện gì ra chuyện đấy, phải đàng hoàng chứ!”. Tôi im bặt, ứa nước mắt…

26 năm có mặt trên cuộc đời, 26 cái Tết trôi qua với tôi đều có chung một kịch bản như thế. Nhưng tôi chưa bao giờ ngán Tết, lúc nào cũng y nguyên cái rạo rực, háo hức những ngày cuối năm, chỉ muốn chạy ngay về nhà. Bởi Tết, với đại gia đình tôi, là sum họp, đoàn viên, ấp cúng.

Lấy chồng xa, năm nay chẳng được đón Tết cùng bà, bố mẹ, em gái, không được ăn mứt cô làm, thấy hụt hẫng nhiều lắm. Cô nhắn tin an ủi bảo: “Cô bận cháu nhỏ, với lại mày cũng không ở nhà nên Tết này cô hoãn gói bánh, làm mứt. Tết năm sau về cô làm bù!”

Hôm qua tôi thử làm mứt dừa, ướt tòe loe. Gọi điện nhờ cô chỉ dẫn mấy đường cơ bản. Cô nói nói một hồi rồi hài hước chốt hạ: “Thấy chưa, làm được như cô đâu có dễ”. Cúp máy rồi, cổ họng nghẹn lại, trong đầu nghĩ thầm: “Công nhận cô mình giỏi thật!”

CUỘC THI VIẾT HƯƠNG VỊ TẾT: Mứt Tết của cô tôi - Ảnh 5.
CUỘC THI VIẾT HƯƠNG VỊ TẾT: Mứt Tết của cô tôi - Ảnh 6.