Mới khoảng giây thứ 10, giọng này “phủ đầu” bằng việc thể hiện nắm rất rõ thông tin trên CCCD của phóng viên. “Anh là… sinh ngày… số CCCD… Yêu cầu anh hợp tác”.

Biết là cuộc gọi lừa đảo bởi công an không làm việc kiểu này, có điều phóng viên khá ngỡ ngàng vì dù từng nhận nhiều cuộc gọi tương tự nhưng chưa khi nào đối tượng đọc vanh vách thông tin của mình đến thế.

Cuộc gọi bất ngờ giữa phóng viên và lừa đảo qua điện thoại - Ảnh 1.

Cuộc gọi đầu hơn 35 phút, cuộc thứ 2 trên 4 phút. Sau đó phóng viên gọi lại nhiều lần thì “không liên lạc được”

Thấy phóng viên vâng dạ, hứa sẽ trả lời trung thực, giọng nửa nam nửa nữ bắt đầu “ly kỳ hóa” tình tiết. Theo đó, quá trình điều tra vụ buôn bán trẻ em và rửa tiền do một sếp ngân hàng cầm đầu với nhiều công đoạn gay cấn, công an phát hiện một thẻ ngân hàng mang tên phóng viên. “Anh xác nhận đi! Quan hệ với đối tượng cầm đầu thế nào? Tại sao thẻ không giữ bên mình? Anh không hiểu à, chúng tôi chỉ làm việc trên chứng cứ! Tôi nói lại lần nữa, nếu không trả lời đúng, anh hoàn toàn chịu trách nhiệm hình sự!…” là một loạt những lời lạnh gáy phía bên kia dội vào tai người nghe. Hơn 20 phút với một bên quy kết, một bên than vãn “có sự hiểu lầm”, vị “thiếu úy” yêu cầu phóng viên nếu muốn chứng minh bản thân trong sạch thì làm việc với sếp của người này để nghe hướng dẫn.

Cuộc gọi được chuyển tới giọng nam xưng là đại úy Tấn. Nội dung lặp lại, cơ bản vẫn quy kết phóng viên liên quan vụ án và yêu cầu hợp tác. Điểm mới duy nhất là buộc phóng viên trực tiếp đến trụ sở Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội để làm việc.

Phản hồi lại yêu cầu này, phóng viên tỏ ra nôn nóng muốn chứng minh bản thân trong sáng nên đồng ý làm việc ngay. Có vẻ như không đúng “kịch bản”, “đại úy Tấn” đẩy cuộc gọi lên “sếp cao hơn”. Trong lần thứ 3 ấy, những hăm dọa từ “sếp” nói giọng miền Trung xưng “thiếu tá Nguyễn Công Văn” tiếp tục được tuôn ra. Và khi phóng viên vẫn cam kết có mặt để “minh oan” sớm nhất thì “thiếu tá” tắt máy. Bốn cuộc gọi tới số 09454310… mà người này dùng gọi cho phóng viên đều “tạm thời không liên lạc được”.

Một đồng nghiệp ngồi bên cạnh xác nhận sáng sớm cùng ngày cũng nhận được cuộc gọi hăm dọa tương tự.

Liên hệ với các vụ lừa phụ huynh nhận tin con “cấp cứu tại bệnh viện…” gần đây, băn khoăn lớn nhất của người viết là tại sao thông tin cá nhân mà bị tội phạm biến thành “của chung” dễ thế.

Băn khoăn thứ hai, khi chúng dùng số điện thoại cá nhân để liên lạc thì công tác quản lý sim đang ở đâu.

Thứ ba, giọng điệu hăm dọa khá ngô nghê về kiến thức tố tụng vậy mà nhiều nạn nhân từng bị lừa thì công tác truyền thông, cảnh báo tới người dân đã thực sự hiệu quả chưa?

Mấy câu hỏi này xin chuyển các ngành chức năng.