Người thứ hai em gọi là mẹ. Ngọc kể: “Em như chết đi hai lần. Lần đầu là ngồi đợi bạn trai gọi lại, điên cuồng bấm máy điện thoại rồi cô đơn đến cùng cực khi nhận ra bạn ấy tắt máy, lảng tránh cuộc gọi của em. Lần hai là nhục nhã, hoảng loạn, ước gì em có thể biến mất trước những câu hỏi liên tục của mẹ: “Quan hệ mấy lần? Lúc nào? Tại sao mẹ đưa đi đón về, mẹ không rời con nửa bước mà con để chuyện này xảy ra? Con qua mặt mẹ thế nào, con đã kể cho ai về chuyện này chưa, tuyệt đối không một ai được biết. Nó là ai? Thằng nào? Sao mà con ngu quá vậy? Sao lại ra nông nỗi này…!”.

Rồi mọi chuyện cũng qua, cái thai được xử lý, mẹ đồng hành cùng Ngọc trong suốt giai đoạn ấy. Bây giờ Ngọc 23 tuổi, chuyện qua lâu nhưng Ngọc vẫn co rúm người mỗi khi ai đó hỏi: “Có người yêu chưa, bao giờ cưới”, bởi những câu hỏi truy vấn của mẹ vẫn trở lại đều đặn trong giấc mơ của Ngọc, vẫn làm Ngọc toát mồ hôi, vẫn cảm thấy mình tệ hại…

Sốc, thất vọng, giận dữ, ngạc nhiên, phẫn nộ… là cảm xúc của hầu hết phụ huynh khi nghe tin con gái ở độ tuổi vị thành niên có thai. Sự thật này không dễ dàng được chấp nhận bởi con vẫn là một đứa trẻ lại đang mang trong mình một đứa trẻ. Cái đứa mà cha mẹ vẫn phải chở đi học, lo từng bữa ăn, từng miếng băng vệ sinh…, vậy mà lại vừa nói “Con có thai…”.

Hãy nhớ rằng con gái bạn, dù có thai hay không, vẫn là con gái của bạn. Con đang hứng chịu trải nghiệm của người lớn vào thời điểm con vẫn là một đứa trẻ. Việc quyết định nói với bạn về cái thai là một trong những quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời con. Hãy biết ơn điều này bởi thay vì chia sẻ với người bạn cùng tuổi, cả hai lén lút đến những nơi nạo phá thai trái phép, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc tính mạng. Khi con nói với bạn về cái thai, con cần sự hỗ trợ của bạn.

Để cơn giận bùng nổ, không kiềm chế những lời chỉ trích, mạt sát…, không những làm vấn đề trở nên trầm trọng mà còn tạo thêm vấn đề mới, làm cuộc khủng hoảng của bạn và con vượt quá tầm kiểm soát.

Có thai khi còn là đứa trẻ là điều khủng khiếp, lúc này, bạn là cái phao duy nhất của con. Bạn cần nhận thức rằng cố gắng thay đổi điều bạn không thể thay đổi chỉ làm tình hình tệ hại hơn. Bạn phải học cách chấp nhận sự thật và cùng con có kế hoạch để vượt qua cú sốc này. Hãy để con biết rằng bạn yêu thương con vô điều kiện. Hãy để con khóc, khóc cùng con và nói với con sẽ bên con, cùng con vượt qua cú sốc. Đừng chất vấn, đừng đặt câu hỏi, đừng thanh minh, đừng đổ lỗi…

Hành động để bảo vệ sức khỏe sinh sản của con, để giảm thiểu những tổn thương cho con nhưng đồng thời cũng giúp con biết chịu trách nhiệm và đứng dậy sau vấp ngã. Chỉ có yêu thương mới giúp con trưởng thành, sống có trách nhiệm với mình và mọi người…