Thời gian qua, hàng loạt trường hợp thương vong vì ngạt khí khi dùng máy phát điện, đốt than trong nhà kín hay xuống hố ga, giếng khơi khiến nhiều người lo ngại. Nhiều chuyên gia, bác sĩ cảnh báo đây là những cái chết thầm lặng, không có dấu hiệu báo trước.

Nhiều cái chết đau lòng

Ngày 24-7, tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, nhiều người dân bàng hoàng khi phát hiện 6 người trong một gia đình tử vong.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng tìm thấy một máy phát điện ở căn phòng phía sau nhà. Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân ban đầu là do tối 23-7, cả khu vực mất điện, gia đình này dùng máy phát điện nhưng đóng kín cửa. Các nạn nhân đã bị ngạt khí nên tử vong.

Coi chừng gặp nạn do ngạt khí CO, CO2 - Ảnh 1.

Hiện trường vụ ngạt khí do dùng máy phát điện làm 6 người tử vong ở Bình Dương ngày 23-7 Ảnh: THẢO NGUYỄN

Trước đó vài ngày, 2 công nhân Công ty CP Vệ sinh Môi trường đô thị Hà Nội đang dọn dẹp hố ga vi sinh tại Công ty TNHH Daesang Việt Nam (phố Sông Thao, phường Thọ Sơn, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) thì bị ngạt khí. Nghe tiếng hô hoán, 3 công nhân thuộc bộ phận lò hơi đang làm việc gần đó chạy đến, nhảy xuống ứng cứu nhưng cũng bị ngạt khí, cả 5 người đều ngất xỉu. Sau đó, phía doanh nghiệp gọi điện báo lực lượng chức năng đến cứu nạn song cả 5 người đã tử vong.

Không chỉ những trường hợp nêu trên, thời gian qua, nhiều người đã tử vong vì đốt than tổ ong trong phòng kín để sưởi ấm hoặc ngạt khí khi xuống giếng. Giới chuyên gia, bác sĩ đã nhiều lần cảnh báo việc này.

Rất dễ tử vong

Nói về nguyên nhân tử vong do ngạt khí từ máy phát điện, PGS Trần Hồng Côn, chuyên gia hóa học, phân tích: Máy phát điện chạy bằng xăng hoặc dầu, thải ra các khí như CO, CO2 khi hoạt động. Việc đặt máy phát điện trong nhà kín rất nguy hiểm, gây khả năng tử vong cao. Khi máy phát điện hoạt động trong phòng kín, chúng sẽ dùng khí ôxy có trong phòng để đốt cháy xăng hoặc dầu. Đến lúc lượng ôxy trong phòng hết, lượng khí CO2 sẽ tăng dần, đồng thời hình thành thêm khí CO.

PGS Trần Hồng Côn lưu ý những nạn nhân ngộ độc khí CO hay CO2 đều không biết gì và lịm dần vào cái chết. Người ta thường gọi đây là “cái chết êm dịu” vì nạn nhân không thể tự thoát ra được.

“CO, CO2 là khí không màu, không mùi, không vị; không nhìn, ngửi hay cảm nhận được nhưng khả năng gây tử vong rất cao. Trong đó, khí CO2 gây ngạt, hôn mê; còn khí CO nếu hít phải với lượng lớn, nồng độ ôxy trong máu giảm gây nên hiện tượng ngạt. Nạn nhân lịm dần và khi không còn ôxy sẽ gây ngừng thở, tử vong nhanh chóng, nếu được cấp cứu kịp thời cũng ảnh hưởng tới thần kinh” – ông Côn giải thích.

Không chỉ máy phát điện, PGS Trần Hồng Côn còn cho biết không gian trong lòng hố ga, giếng khơi lâu ngày không dùng, bồn chứa cặn thực phẩm ở nhà máy… cũng tích tụ rất nhiều khí CO2. Nạn nhân khi hít phải khí CO2 hay CO không có bất kỳ phản xạ nào như ho sặc, ngột ngạt, khó chịu. Chính điều này nên khi người khác tiếp tục xuống hố ga, giếng khơi… ứng cứu thì cũng dễ dàng tử vong.

“CO2 nặng hơn không khí nên khó thoát ra được không gian kín. Khi nồng độ CO2 cao, chúng gần như chiếm hết không gian ở hố ga hay giếng khơi mà không có chút ôxy nào. Khi có người vào đây thì rất dễ tử vong” – ông Côn nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Anh Thơ, quyền Viện trưởng Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động – Tổng LĐLĐ Việt Nam, các vụ tai nạn lao động gần đây, cũng như những vụ người dân bị ngạt khí do đốt lò than, chạy máy phát điện trong phòng kín gây nên những cái chết thương tâm. Điều đó cho thấy nhận thức chung, kỹ năng của một số người dân, người lao động vẫn còn thiếu. Trong khi đó, ý thức của một số người sử dụng lao động trong việc tuân thủ pháp luật, thực hiện nghĩa vụ để bảo đảm an toàn cho người lao động vẫn còn hạn chế.

“Ví dụ, cơ sở sản xuất thuê nhà thầu xử lý môi trường nhưng nhà thầu đó không đủ năng lực, thiếu giải pháp bảo đảm an toàn. Nhiều nhà thầu xử lý môi trường có nguy cơ cao về tai nạn lao động, trong khi đơn vị thuê lại thiếu trách nhiệm trong việc giám sát, bảo đảm an toàn” – ông Thơ lo ngại.

Đối với vấn đề an toàn trong nhà dân, ông Nguyễn Anh Thơ cho rằng dù xã hội hiện đại đến đâu thì nguy cơ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng con người vẫn luôn tồn tại nếu không có kỹ năng xử lý. Đây là kỹ năng sống và kiến thức an toàn nói chung.

“Trách nhiệm của cơ quan quản lý và chính quyền là phải có chương trình tuyên truyền, giáo dục kỹ năng cho người dân. Cần phải phổ biến nhiều hơn nữa, có chương trình phù hợp, như mùa đông cần tuyên truyền về nguy cơ ngạt khí do đun bếp than tổ ong trong nhà, dùng máy phát điện; khi làm sạch hầm biogas, đào giếng… thì cần biết cách thông khí để bảo đảm an toàn, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng” – ông Thơ dẫn chứng.

Ông Nguyễn Anh Thơ cho biết đa số doanh nghiệp của Việt Nam đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp đều phải có nhân viên có kiến thức về an toàn vệ sinh tổng hợp, người quản lý doanh nghiệp phải học một lớp huấn luyện về vệ sinh an toàn lao động. Tuy nhiên, thực tế ở các doanh nghiệp, người hiểu biết về vệ sinh an toàn lao động còn rất hạn chế nên những rủi ro vẫn thường xảy ra. 

786 người chết vì tai nạn lao động năm 2021

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết trong năm 2021, cả nước đã xảy ra 6.504 vụ tai nạn lao động, làm chết 786 người, bị thương nặng 1.485 người. Trong đó, vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng do ngạt khói xảy ra ngày 16-4-2021 tại Nhà máy số 2 – Công ty TNHH Dreamtech Việt Nam (tỉnh Bắc Ninh) khiến 3 công nhân tử vong.

Thống kê sơ bộ từ các địa phương cho thấy thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra năm 2021 là hơn 3.954 tỉ đồng.

Bác sĩ NGUYỄN TRUNG NGUYÊN, Giám đốc Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội):

Di chứng nặng nề

Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc khí CO, CO2. Hầu hết bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng nặng. Thực tế, các cơ sở y tế đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than củi và đóng kín cửa hoặc nấu ăn trong không gian kín. Ngay cả việc dùng khí gas trong không gian kín cũng có nguy cơ ngộ độc bởi khi đốt, ôxy trong không khí sẽ tiêu hao dần, làm tăng khí CO hoặc CO2 độc hại.

Các triệu chứng nhiễm độc khí CO, CO2 biểu hiện khác nhau, tùy theo mức độ hít phải ít hay nhiều. Nạn nhân nhiễm độc nhẹ có những triệu chứng như: đau đầu, thở dốc, hơi buồn nôn… trong thời gian dài. Nhiễm độc ở mức độ trung bình sẽ khiến nạn nhân đau đầu dữ dội, chóng mặt, buồn nôn, đau quặn bụng, tiêu chảy, tê nhiều nơi trên cơ thể, ngất, thậm chí có thể tử vong nếu thời gian kéo dài. Đối với nhiễm độc nồng độ CO, CO2 tăng dần, nạn nhân sẽ bị co giật, bất tỉnh, tổn thương não vĩnh viễn, tim ngưng đập và tử vong.

Thống kê cho thấy 40% người bị ngạt khí CO, CO2 gặp phải các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, liệt cơ mặt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…

Thượng tá LÊ VIỆT DŨNG, Trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự – Công an TP Hà Nội:

Không có thời gian phản ứng

Trong các vụ ngộ độc khí CO, CO2, nạn nhân sẽ sốc do thiếu ôxy. Nhiều người sẽ chết bị động, bởi ngay khi vừa cảm thấy ngột ngạt, mệt mỏi thì đã rơi vào tình trạng hôn mê, không có thời gian để phản ứng. Để không bị ngạt khí, mọi người không nên tập trung nhiều trong phòng kín, tầng hầm đậu xe vì dễ dẫn đến thiếu ôxy, ảnh hưởng đến não; không dùng than, củi, gas để sưởi; không nên để xe hơi hoặc xe máy còn đang nổ máy trong nhà, trong garage. Máy phát điện phải được đặt ở nơi thoáng khí.

Khi phát hiện nạn nhân bị ngạt khí CO hay CO2, cần nhanh chóng mở các cửa để không khí trong lành tràn vào, nhanh chóng đưa ra khỏi nơi có khí độc. Nếu nạn nhân thở yếu hoặc bất tỉnh, cần phải hà hơi thổi ngạt rồi đưa ngay đến bệnh viện.

N.Hưởng – N.Dung ghi