Cuộc chiến chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra là cuộc chiến dai dẳng, khốc liệt của toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Chúng ta đã chiến thắng trong giai đoạn đầu và đang bước vào giai đoạn 2 đầy cam go, thách thức.

Một người thiếu ý thức, cả cộng đồng khổ

Quan trọng nhất trong phòng chống dịch là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Vì vậy, bên cạnh các biện pháp can thiệp kịp thời của Chính phủ, cần đến sự cố gắng và ý thức tự giác của toàn dân.

Đặc điểm của virus SARS-CoV-2 là tốc độ lây lan nhanh qua đường hô hấp. Chỉ cần một cá nhân không tuân thủ các nguyên tắc phòng chống dịch là đã gây ra hậu quả nặng nề cho cộng đồng và gây áp lực lên ngành y tế nước nhà. Thực tế những ngày qua đã cho chúng ta hình dung rõ về sự nghiêm trọng của vấn đề này. Đó là câu chuyện một cô gái khai báo không trung thực, nửa đêm, Hà Nội phải họp khẩn để xử lý hậu quả; hàng trăm cán bộ ban ngành, chiến sĩ công an, nhân viên y tế suốt đêm thức trắng để truy tìm những người tiếp xúc gần cô ấy, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần, hơn 200 người cùng chuyến bay để cách ly, cùng với đó là hàng trăm nhân viên y tế phải phục vụ những người bị cách ly…

Hành khách khai báo y tế trước khi nhập cảnh vào TP HCM qua sân bay Tân Sơn Nhất Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Chưa hết, cứ tình trạng dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, hàng vạn công nhân, người lao động sẽ mất việc làm hoặc bị cho nghỉ không lương, con cái của họ, cha mẹ họ phải sống sao? Rồi học sinh sẽ tiếp tục nghỉ học không biết đến bao giờ… Những hệ lụy trên sẽ không xảy ra nếu mỗi người có ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Pháp luật Việt Nam đã có những chế tài cụ thể để xử lý các trường hợp khai báo y tế không trung thực, trốn tránh cách ly. Ngày 1-2, Thủ tướng ký Quyết định 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Chính vì vậy, các hành vi trốn tránh các biện pháp phòng tránh dịch bệnh đều bị xử lý. Tùy mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.

Cụ thể, điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng nếu từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; điều 240 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định người thực hiện hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 12 năm; có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng. Trốn khỏi vùng cách ly hoặc cố ý khai báo y tế không trung thực để trốn tránh cách ly, có thể bị truy tố vào tội này.

Tận dụng mọi phương tiện để tuyên truyền

Việc cần có những chế tài để xử lý những hành vi vi phạm là hết sức cần thiết, tuy nhiên chỉ khi cả nước đồng lòng, thống nhất phương án xử lý thì cuộc chiến này mới có thể kết thúc trong chiến thắng. Để được vậy, thay vì bổ sung các biện pháp chế tài xử lý nghiêm khắc, cần phải đặt ra những phương thức tuyên truyền, phổ biến những thông tin cần thiết để nâng cao nhận thức toàn dân.

Thực tế, việc khai báo thông tin phòng ngừa dịch bệnh chủ yếu dựa trên sự tự nguyện và ý thức của mỗi cá nhân. Vì vậy, thứ nhất, phải rà soát lại tất cả hướng dẫn, hoàn thiện để có hướng dẫn chính xác, đơn giản, dễ hiểu nhất giúp người dân hiểu rõ về dịch bệnh, những việc cần làm, những việc không được làm để chống dịch. Phải sử dụng tất cả phương tiện từ công nghệ thông tin đến áp phích, truyền thông đại chúng… để mọi người dân được biết, được hướng dẫn trong mọi tình huống, từ nhà ra đường, chỗ đông người, phương tiện công cộng, nhà hàng, siêu thị, công sở…

Thứ hai, việc triển khai khai báo y tế với mọi người Việt Nam cũng là một biện pháp cần thiết trong tình hình hiện nay. Đây không chỉ là trách nhiệm chống dịch mà còn là hành động cụ thể để toàn dân Việt Nam chung sức, đồng lòng chống dịch.

Bên cạnh nâng cao ý thức của người dân thì vai trò quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là việc quản lý tại các cửa khẩu đặc biệt quan trọng. Hiện công tác siết chặt quản lý ở các cửa khẩu về cơ bản đã được triển khai, thực thi và đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, đây là vấn đề mang tính lâu dài, cơ quan nhà nước cần kiểm soát, quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh ở các cửa khẩu. Cụ thể tăng cường công tác quản lý hoạt động xuất nhập cảnh của người dân, đặc biệt người nước ngoài vào Việt Nam bằng việc huy động tối đa lực lượng chức năng để tăng cường công tác bảo đảm quản lý hoạt động xuất nhập cảnh, hoạt động quản lý người nước ngoài. Thành lập nhiều tổ công tác phối hợp với Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội tiến hành rà soát, phân loại, lập danh sách người nước ngoài trên địa bàn quản lý, đặc biệt lưu tâm đến người đến từ vùng dịch để phục vụ công tác quản lý, phương án phòng chống dịch bệnh.

Quản lý chặt cửa khẩu

Từng cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ, quyền hạn của mình liên quan đến việc quản lý ở các cửa khẩu. Cụ thể:

– Bộ Y tế chỉ đạo các tỉnh có cửa khẩu, đường bộ, đường thủy, sân bay quốc tế giám sát chặt các hành khách nhập cảnh đối với các trường hợp đi từ vùng dịch; quản lý các trường hợp phòng chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế, không để người bệnh và cán bộ y tế bị lây nhiễm.

– Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với ngành y tế thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch ngay tại cửa khẩu, bảo đảm an ninh cho việc cách ly y tế bắt buộc các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh.

– Bộ Quốc phòng phối hợp với ngành y tế thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch tại cửa khẩu, chia sẻ các thông tin về hành khách nhập cảnh với ngành y tế; ngăn chặn hành vi xuất nhập cảnh trái phép; đồng thời nắm tình hình người nước ngoài, người Việt Nam nhập cảnh, xuất cảnh để phục vụ công tác phòng chống dịch.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-3