Sáng 16-6, tôi nhận được cuộc gọi thông báo có một biên bản vi phạm giao thông, yêu cầu bấm phím 9 để biết thêm chi tiết. Chắc chắn đây là cuộc gọi lừa đảo, tôi đã không làm theo. Sau đó, tôi gọi lên tổng đài để báo cáo nhưng tiếp tôi, một tổng đài viên giải thích rằng nhà mạng chỉ cung cấp dịch vụ viễn thông, nếu phát hiện cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo thì nên báo công an. Tôi tiếp tục thắc mắc, nhân viên tổng đài nói chỉ hỗ trợ chặn trên hệ thống số điện thoại gọi làm phiền, tin nhắn rác trong trường hợp khách hàng nhiều lần nhận cuộc gọi, tin nhắn như vậy. Nếu chỉ xảy ra lần đầu, khách hàng nên tự chặn trên máy của mình.

Trước đó, nhiều đồng nghiệp của tôi đã bị những số điện thoại gọi đe dọa bị khởi tố do nằm trong đường dây tội phạm, rửa tiền… Báo chí cũng từng thông tin nhiều nạn nhân bị lừa đảo bởi các nhóm tội phạm công nghệ cao giả danh công an, viện kiểm sát yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt.

Vì vậy, tôi nghĩ khi người dân nhận cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, gọi lên tổng đài nhờ hỗ trợ thì nơi đây cần ghi nhận thông tin. Bên cạnh đó, cũng cần có hệ thống lưu những số điện thoại được khách hàng báo là lừa đảo để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh trường hợp những thuê bao này tiếp tục gọi điện thoại lừa đảo người khác.

Để chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói chung và lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, internet, ngoài sự vào cuộc của cơ quan công an, rất cần sự chung tay, nâng cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm của toàn xã hội; đặc biệt là các cơ quan liên quan như bưu chính, viễn thông, ngân hàng…