1.Nếu chọn con vật dễ thương nhất trong 12 con giáp, tôi chọn mèo. Vì rằng, tục ngữ có câu “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu”. Miêu đích thị là con mèo. “Ăn như mèo” được hiểu là ăn rất ít, ăn cho có lệ, ăn khảnh… Ngày xuân ngày Tết dẫn người yêu đi ăn chơi, bước vào nhà hàng sang trọng mà nàng lại “Ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo”, ắt không ít người sờ ví tiền mà lo sốt vó chăng!

Nếu ai đó chỉ “ăn như mèo”, ông bà ta bảo “Ăn đã vậy, múa gậy làm sao?”, tức là không đủ sức làm nên trò trống gì. Nghe chê bai quá đáng như vậy, thử hỏi… mèo xem sao? Mèo sẽ trả lời múa gậy chỉ là chuyện nhỏ, nó còn… cày ruộng nữa đấy!

Bằng chứng là ngày xửa ngày xưa, có hai anh em nhà nọ sau khi tía má qua đời để lại cho gia tài tiền muôn bạc ức. Người anh tham lam vơ hết về mình, chỉ chia cho em mỗi con mèo. Thế là mèo ta phải thay trâu đi cày. Ngày nọ, ông thần đất nhìn thấy cảnh tréo ngoe vậy tức cười quá nên bật cười khanh khách. Cứ mỗi lần ông cười là văng ra cục vàng. Người em chỉ việc xuống nhặt, từ đó trở nên giàu có nhất trong làng.

Người anh thấy làm lạ quá, bèn sang nhà em thăm hỏi. Người em thật lòng kể lại câu chuyện. Thế là người anh bèn mượn ngay con mèo này dắt đi cày, thần đất cũng bật cười rồi văng ra cục vàng. Người anh nổi lòng tham, thò tay vào cổ họng ông để vơ vét cho hết sạch sành sanh. Bị đau quá, thần đất ngậm miệng lại. Cuối cùng, người anh không thể rút tay ra được bèn “chuyển sang”… ngủm củ tỏi.

Không chỉ đủ sức cày ruộng, mèo còn có thể… “bắt nai”. Ta hãy nghe một người khoe: “Nhà tôi có một con mèo/ Khi nào hết chuột lên đèo bắt nai”. “Nổ” đến cỡ này nghe cũng khiếp!

Thật ra, đã là mèo thì phải bắt chuột. Sau khi bắt chuột xong, nó còn có động tác nữa mới là cái thú của mèo: vờn – “chồm tới mà vồ, mà chụp rồi buông ra, nhảy qua nhảy lại giỡn chơi” (theo “Việt Nam từ điển”, 1970).

Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào… - Ảnh 1.

Nhà văn Tô Hoài đã miêu tả thật sống động một cảnh mèo vờn chuột: “Mèo nhả chú chuột xuống đất, rồi ngồi ngây ra mà nhìn. Con vật khổ sở nằm co ro. Mèo ta đắc chí, lấy một chân vờn vờn vào mặt chuột. Bất tỉnh nhân sự từ nãy giờ mới lại hoàn hồn, chuột khe khẽ thoi thóp thở. Mèo yên lặng, dáng ngẫm nghĩ. Gã không để ý đến chú chuột đương giương đôi mắt lồi như hai hột chàng ràng ra nhìn gã. Chỉ ti hí mắt lươn mà ranh thượng hạng. Bỗng, thoáng một cái, chú chuột chạy vụt vào phía trong. Nhưng chàng mèo vẫn nhanh hơn. Chàng vươn tay ra. Lại chộp liền ngay lấy gáy chú nhỏ. Ôi chao! Chàng ta mới chộp cho chú nhỏ một cái nhá! Chú nhỏ kêu “chíi… chíi…” rầm cả lên”.

Mà, con mèo biết cày ruộng, bắt nai, bắt chuột hoàn toàn khác với loại mèo trong câu “Mèo đàng chó điếm”. Với từ đàng điếm, ta hiểu là “có lối sống tự do, buông thả trong quan hệ trai gái”, theo “Đại từ điển tiếng Việt”. Suy ra, thành ngữ trên là cách nói ám chỉ theo nghĩa vừa nêu? Không đâu. Đàng là phát âm của đường/ đường sá; điếm là quán, tiệm. Câu này “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) giải thích: “Tiếng mắng đứa xảo trá, điếm đàng, không lo làm ăn, cứ ở đàng ở điếm”. Không chỉ có câu tương tự “Mèo mả, gà đồng” mà ông bà ta còn dạy: “Mèo lành chẳng ở mả, ả lành chẳng ở hàng cơm”.

2.Một trong những lý do khiến nhiều người yêu thích mèo còn là sắc lông của nó. Ca dao có câu này ngộ nghĩnh mà trúng chóc: “Con mèo, con chó có lông/ Cây tre có mắt, nồi đồng có quai”.

Ừ, mèo thì có lông. Như ta đã biết, mèo đen gọi là “mèo mun”, vậy cứ nhìn lông màu trắng xám tro thì gọi “mèo trắng” chăng? Không, phải gọi “mèo mướp”, còn dân mê đọc truyện kiếm hiệp thì gọi bằng cái tên “oách xà lách” là “bạch miêu”. Nói thế hoàn toàn không phải đùa, bằng chứng là có câu ca dao: “Con là trai gái trong nhà/ Phải như mãnh hổ và là bạch miêu”.

Không ít người cho rằng “Mèo đen cũng như mèo trắng, miễn là bắt được chuột”. Láu cá và thực dụng đến thế là cùng! Mà thôi, chuyện đó bàn sau. Còn mèo có lông vừa đốm đen, vàng, trắng gọi là “mèo tam thể”, nghe cứ như… thơ; trong khi “mèo nhị thể” thường chỉ có lông vàng, trắng.

Đôi lúc không muốn gọi mèo là… mèo, vậy gọi bằng tên gì cho thanh nhã hơn? Thơ cổ miêu tả con mèo có câu: “Cũng thì nanh vuốt, kém chi đâu/ Chửa biết mèo nào cắn mỉu nào”. Gọi “mỉu/miu/miêu” đều được cả, mà nghe cái âm “iu” mới đáng yêu làm sao!

Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào… - Ảnh 2.

Vâng, đáng yêu làm sao, nhưng ai có thể giải thích tại sao mèo còn được dùng để ám chỉ… tình nhân của người đàn ông đã có vợ? Tỉ như Thúy Kiều đích thị là “mèo” của Thúc Sinh, bởi chàng vẫn còn đó cô vợ Hoạn Thư ghen tuông trời gầm đất lở.

Tùy ngữ cảnh, “mèo” còn dùng để chỉ “người tình, đã hẹn ước lấy nhau nhưng chưa ra mặt” (“Việt Nam tự điển”). Nghĩa này ta có thể tìm thấy trong câu ca dao: “Thương anh đâu quản hiểm nghèo/ Ngặt vì một nỗi anh có mèo theo sau”. Đàn ông đàn ang nhiều người thấy gái chẳng khác gì “Như mèo thấy mỡ”! Nghe câu thở than ấy, chàng sẽ khuyên nàng nên rút lui hay vẫn “thả thính”? Tôi nghĩ chàng ta vẫn “lửng lơ con cá vàng”, bởi có thêm lại càng chứng tỏ mình cũng đào hoa mà “chẳng mất gì của bọ”! Trong tình huống này, liệu chừng cô nàng sẽ tiến tới? Có thể lắm, nhưng rồi nàng rất khôn ngoan khi đưa ra điều kiện: “Anh có thương em thì mần giấy giao kèo/ Ngày sau em mới chắc là mèo của anh”.

Ta hãy quan sát mẩu đối thoại: Nữ: “Ai mà bày đặt dị

kỳ/ Áo bà ba may hai túi đựng giống gì hở anh?”. Nam: “Ba má bày đặt cho anh/ Áo bà ba may hai túi đựng dầu chanh o mèo”. “O mèo” được hiểu là thả thính ai đó, cùng nghĩa với cua, gò, tán tỉnh…

3.

Trở lại câu hỏi: Vì sao mèo lại được chọn trong những tình huống vừa nêu?

Có lẽ chẳng ai có thể trả lời rành rọt, đành rằng dù họ có yêu thích mèo đến cỡ nào đi nữa. Nói về chuyện này, theo tôi, hai nhà văn Việt Nam cưng chiều, thích mèo nhất trên đời là Lê Văn Trương và Khái Hưng, chứ không phải Tô Hoài dù ông đã viết truyện ngắn “Con mèo mù” được bạn đọc yêu thích.

Thời tác giả “Ngựa đã thuần rồi, mời ngài lên” còn sống, bạn bè văn nghệ đến thăm Lê Văn Trương đã kinh ngạc khi thấy trong nhà ông có đến hàng chục con mèo. Chúng kêu gào, tung hoành như thể “múa gậy vườn hoang”.

Với nhà văn Khái Hưng, con trai nuôi của ông kể: “Trong các giống vật, ba tôi chuộng mèo hơn cả. Có một con mèo Xiêm sống tới 6 – 7 năm ở nhà được ba tôi lo cho từng tí một, nào chải lông, nào bắt rận lại có nhiều khi xức nước hoa nữa, khi nào dáng chừng được một đoạn văn vừa ý lại bế nó lên đi đi lại lại trong phòng. Một lần con mèo đó giẫm lên làm bẩn cả nệm, mẹ tôi tỏ ý khó chịu, ba tôi chỉ trả lời: “Những cánh hoa đào in trên nệm càng đẹp chứ sao?”. Nói đoạn ba tôi cười xòa, thế là xong chuyện” (Tạp chí Văn, số 22, 1964).