Cấm họp chợ, cấm tụ tập trên cầu, cấm dừng đỗ xe trên đường, cấm đi ngược chiều, cấm vào khu vực nguy hiểm… là những biển báo rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến an toàn và tính mạng của người dân. Thực tế, càng cấm thì một số người lại càng vi phạm, thậm chí vi phạm công khai, khiến những biển cấm trở nên vô dụng.

Bất chấp quy định

Để ngăn chặn tình trạng hàng quán chiếm dụng vỉa hè, lòng đường buôn bán kinh doanh, Công an phường 12, quận 5, TP HCM đã dựng biển đỏ ghi rõ “Khu vực cấm tụ tập buôn bán lấn chiếm lòng lề đường” tại khúc giao đường Châu Văn Liêm – Thuận Kiều – Tân Hưng. Thế nhưng, ngay sau biển cấm, một số người vẫn thản nhiên bày bán, hình thành chợ chim tự phát ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông, gây ô nhiễm môi trường.

Trước cổng các bệnh viện: Chợ Rẫy (quận 5), Từ Dũ (quận 1), Bệnh nhiệt đới (quận 5)… có biển cấm tụ tập buôn bán nhưng luôn trong tình trạng “thất thủ” trước “đội quân” hàng rong đông đảo, chiếm dụng từ vỉa hè đến khu vực cổng bệnh viện.

Trên cầu Thủ Thiêm (phường Bình An, quận 2), mặc dù biển cấm được đặt ở vị trí rất dễ quan sát, đoạn hướng về quận 2, nhiều người đi xe máy vẫn thản nhiên đậu đỗ xe để… hóng mát. Giờ tan tầm, lượng xe của các nhóm thanh niên nam nữ tập trung càng đông, bất chấp việc cản trở dòng phương tiện đang lưu thông lên xuống cầu với tốc độ khá cao. Nguy hiểm hơn, khả năng xảy ra tai nạn rất lớn do các phương tiện phải tránh né nhau bất ngờ trên cầu.

Nhiều biển cấm tụ tập buôn bán trên cầu Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), cầu Tham Lương (quận 12), cầu Kiệu (quận Phú Nhuận), cầu Lê Văn Sỹ (quận 3)… cũng bị “vô hiệu hóa” trước sự thiếu ý thức của một số người.

Bên cạnh biển cấm tụ tập buôn bán của Công an phường 12, quận 5, TP HCM là một chợ chim tự phátẢnh: Phương Trinh

Biển cấm có cũng như không - Ảnh 2.

Dưới chân biển cấm tụ tập trên cầu Thủ Thiêm (phường Bình An, quận 2), nhiều người đi xe máy vẫn thản nhiên đậu đỗ để… hóng mát.Ảnh: Phương Trinh

Biển cấm có cũng như không - Ảnh 3.

Bất chấp cảnh báo khu vực nguy hiểm, nhiều người vẫn đổ xô đến khu vực cầu Ông Cậy (đường Cây Bàng, quận 2) Ảnh: Trần Thái

Không ai bị xử phạt

Luật quy định nếu vi phạm biển cấm sẽ bị xử phạt ngay. Thực tế, nhiều biển cấm vẫn không phát huy được tác dụng khi người vi phạm không hề bị xử lý. Điển hình là cầu Ông Cậy (đường Cây Bàng, quận 2), do cầu yếu, không còn bảo đảm an toàn nên chính quyền địa phương dựng hơn 5 biển cấm vào và biển cảnh báo nguy hiểm ở hai đầu dẫn lên cầu và khu vực xung quanh nhưng nhiều người vẫn đổ lên cầu ngắm cảnh, hàng quán cũng theo đó mọc lên.

Ông Hoàng Minh Sơn (54 tuổi, người dân địa phương) cho biết: “Dù được làm bằng xi-măng cốt sắt nhưng theo thời gian, cầu Ông Cậy đã xuống cấp nghiêm trọng. Tôi thử đi lên cầu này lúc vắng người, từng bước đi là từng bước hồi hộp, vậy mà ngày nào người ta vẫn nườm nượp đổ lên đây ngồi ăn uống, ngắm cảnh. Đặc biệt cuối tuần, lượng người quá tải, cây cầu cũ kỹ này không biết có thể sập lúc nào”.

Trong khi đó, khi chúng tôi bày tỏ lo ngại về biển cảnh báo cầu yếu, chị Ng.N.Nh.A (ngụ quận Bình Thạnh) đang đứng ở đây ăn uống, ngắm cảnh, thản nhiên nói: “Ban đầu thấy biển cấm, tôi cũng sợ nhưng nhiều lần tới đây thấy quán xá vẫn buôn bán bình thường, tôi nghĩ cây cầu còn dùng tốt lắm, không sao đâu!”.

Khu vực này còn được cảnh báo nguy hiểm về sạt lở, thế nhưng, hàng quán vẫn bày bán kế bên biển báo ghi rõ “Khu vực sạt lở”. Trên nhiều tuyến đường xung quanh, rất nhiều biển cấm tụ tập cũng trở thành vô dụng, không ít người vẫn ung dung đốt lửa làm tiệc nướng, nhậu nhẹt từ chiều đến khuya. Suốt từ ngày 29-2 đến 2-3 có mặt tại đây, chúng tôi không thấy sự xuất hiện của lực lượng chức năng tuần tra, nhắc nhở và xử phạt trường hợp vi phạm nào. 

Nhiều lực lượng có quyền xử phạt

Theo luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn Luật sư TP HCM), hiện có nhiều dạng biển cấm, biển hạn chế các hoạt động khác nhau nhưng tất cả đều phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Ví dụ, biển cấm đi ngược chiều, cấm tụ tập trên cầu… phải dựa vào Luật Giao thông đường bộ 2008 và quy định mức xử phạt cụ thể tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, nay được thay thế bằng Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Tùy vào kế hoạch khác nhau mà cơ quan phát hiện và ra quyết định xử phạt có thể là lực lượng CSGT, cảnh sát cơ động và công an xã, phường, thị trấn.

Về việc cấm đổ rác, cấm tiểu bậy… thì dựa vào Luật Bảo vệ môi trường 2014 và quy định mức xử phạt cụ thể tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP và cũng có nhiều cơ quan, đơn vị được phát hiện, lập biên bản và ra quyết định xử phạt.