Ông NGUYỄN VĂN TƯỜNG – Tiến sĩ tâm lý học, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Sức khỏe tinh thần, Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP HCM:

Gắn liền nhận thức – thái độ – hành động

Câu chuyện xả rác bừa bãi mà Báo Người Lao Động liên tục phản ánh, mở diễn đàn trong thời gian gần đây cho thấy một thực tế dù được nói rất nhiều, gây bức xúc cũng lắm nhưng sự chuyển biến về nhận thức của người dân trong việc bảo vệ, gìn giữ môi trường lại quá chậm.

Thật ra, phần lớn mọi người đều nhận thức được cần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhận thức có nhiều mức độ, nếu thấp thì chưa đủ để thúc đẩy thay đổi hành vi, nhất là khi hành vi xả rác bừa bãi lặp đi lặp lại trong một thời gian dài trở thành thói quen, nếp sống của nhiều người. Vứt rác đôi khi được thực hiện trong vô thức, khi ý thức được thì hành động đã diễn ra rồi.

Bất chấp, rác vẫn bôi bẩn khắp nơi (*): Thay đổi hành vi bắt đầu từ nhận thức - Ảnh 1.

Rác bịt kín miệng cống là hình ảnh không khó bắt gặp trên nhiều nẻo đường ở TP HCM Ảnh: ANH VŨ

Thay đổi hành vi cá nhân cần bắt đầu từ thay đổi nhận thức, mà việc này cần nhiều thời gian, thậm chí phải trải qua nhiều thế hệ. Để làm được, cần sự tác động đồng bộ và hệ thống từ giáo dục gia đình – nhà trường – cộng đồng và hành lang pháp lý đủ mạnh. 

Xử phạt cũng như một phương pháp giáo dục hiệu quả, mục đích là giúp mỗi người dần thay đổi hành vi theo hướng xóa bỏ những hành vi không mong đợi và khuyến khích những hành vi tích cực. Dĩ nhiên, các biện pháp xử lý, kỷ luật cần được thực hiện nghiêm túc, nghiêm khắc và công khai, công bằng, khách quan.

Đồng thời, nhận thức – thái độ (cảm xúc) – hành động luôn đi liền với nhau trong cách thể hiện tâm lý con người. Hành vi xả rác bừa bãi liên quan đến nhận thức và thái độ của mỗi người. Nhận thức cần đi từ hiểu biết đơn thuần đến có khả năng phân tích, đánh giá vấn đề và tìm kiếm các giải pháp. Ngoài ra, ý thức tự giáo dục, tinh thần trách nhiệm, dám nhận lỗi, dám sửa sai là điều mà mỗi cá nhân nên chủ động rèn luyện để khắc phục những thói quen chưa tốt và hình thành những thói quen hữu ích hơn.

ThS TRẦN HƯƠNG GIANG, chuyên gia kinh tế và chính sách Công ty tư vấn quốc tế enCity. 

Luật hóa và chế tài nghiêm khắc

Bảo vệ môi trường sống từ góc nhìn hành vi của người dân thực chất không đến từ những hoạt động lớn lao, phức tạp hay đòi hỏi trình độ, công nghệ hiện đại mà chủ yếu được quyết định bởi ý thức và thái độ của mỗi người.

Việc một người âm thầm xả rác bừa bãi trên đường hay ở một góc phố nào đó sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến những người khác và không thu hút sự chú ý đủ lớn để tạo động cơ kiểm soát từ xã hội. Một người xả một ít rác sẽ không gây tác động tiêu cực rõ rệt đối với môi trường sống chung. Vấn đề ở đây là khi số lượng người có hành vi xả rác đủ lớn hay hành vi xả rác trở thành thói quen thì tác động của cách sống này lại gây nguy hại khôn lường đến sinh thái chung, thậm chí là có thể mang tính hủy diệt.

Trong nhận thức của người Việt Nam, việc một cá nhân có ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi vẫn còn được xem là hành động đẹp, cách sống văn minh chứ không phải là một phẩm chất cơ bản mà một người cần phải có. Điều đó cũng có nghĩa không xả rác là một sự lựa chọn chứ không phải là một yêu cầu bắt buộc. Chính vì không có tính bắt buộc nên hành vi xả rác không bị cấm đoán, các nội dung bảo vệ môi trường được đưa vào giáo dục một cách mờ nhạt, không được đề cao. 

Trong trường hợp phải điều khiển một hành vi đã được ngầm thừa nhận bởi thể chế phi chính thức và khả năng thu hút được sự tham gia kiểm soát từ cộng đồng không cao thì vai trò của Chính phủ thông qua thể chế chính thức là rất quan trọng. Singapore là một điển hình, các hành động ảnh hưởng môi trường như xả rác được luật hóa và có chế tài nghiêm khắc nhằm điều khiển hành vi người dân hiệu quả.

Hiện Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã chính thức ban hành và có hiệu lực, vấn đề kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững cũng được đề cập trong rất nhiều nghị định và quyết định. Tuy nhiên, nguồn lực công chịu trách nhiệm triển khai và thực hiện kiểm soát, quản lý vẫn chưa được thành lập. 

Hơn nữa, với cách thức tổ chức bộ máy quản lý công hiện nay, việc tổ chức thực thi các chính sách môi trường sẽ mang tính chất kiêm nhiệm chứ không có bổ sung thêm một cơ chế vận hành mới. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường sẽ chỉ dừng lại trên giấy tờ văn bản, khó bước ra ngoài thực tế. 

Như vậy, câu chuyện xanh và sạch hay hành vi xả rác thải đúng chỗ, đúng cách có lẽ chỉ là một khẩu hiệu, một chuẩn mực sống đáng mơ ước hay một lời kêu gọi nhưng không nhận được sự đáp lại.

Để thay đổi thái độ và hành vi của người dân trong các vấn đề về môi trường như xả rác, việc luật hóa và có chế tài nghiêm khắc là cần thiết để giúp xóa bỏ các lề thói độc hại trong thời gian nhanh nhất. Nâng cao ý thức, trình độ dân trí thông qua các nội dung về môi trường được đưa vào giáo dục chính thống sẽ giúp Việt Nam tạo được những thế hệ kế thừa đáp ứng các tiêu chuẩn ứng xử trong sinh hoạt, lao động bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững chung của thế giới.

Cần tăng mức phạt

Hiện nay chế tài xử phạt hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường đã rất cụ thể với mức phạt đối với từng trường hợp. Tuy nhiên, nhìn chung mức xử phạt còn khá thấp, chưa đủ sức răn đe. Cần tăng mức xử phạt hành chính, tăng cường các biện pháp giám sát và áp dụng hình thức phạt nguội. Kiên quyết, liên tục xử lý trong một thời gian dài để chấn chỉnh hành vi.

Luật sư Trương Văn Tuấn (Văn phòng Luật sư Chân Thiện Mỹ)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-7