Chiều 26-10, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip dài 23 giây ghi lại cảnh 3 nữ sinh Trường THCS Lê Văn Thới (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) đánh nhau dữ dội trong giờ ra chơi. Ngày 23-10, mạng xã hội phát tán clip một nhóm nữ sinh ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đánh đập một nữ sinh rồi quay phim tung lên mạng.

Ngày 21-10, một clip ghi lại vụ 2 nam sinh Trường THCS Rạng Đông (quận Bình Thạnh, TP HCM) ép một nam sinh vào tường rồi liên tục đấm vào mặt, túm cổ, lên gối…; xung quanh là tiếng reo hò, cổ vũ của những học sinh khác.

Tại sao xảy ra liên tục các vụ bạo lực học đường, chỉ trong thời gian rất ngắn? Tại sao học sinh vô cảm đến mức đứng nhìn, quay clip, thậm chí cổ vũ trong khi bạn học bị đánh tàn nhẫn? Tại sao và tại sao? Những câu hỏi đặt ra sau mỗi vụ việc và người ta lại mải miết phân tích nguyên nhân, đi tìm giải pháp, quy trách nhiệm. Và rồi bạo lực học đường vẫn xảy ra, ngày càng tăng về số lượng lẫn mức độ.

Phải làm gì để hạn chế tình trạng bạo lực học đường? Dĩ nhiên không thể bỏ qua vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc quan tâm giáo dục về đạo đức, pháp luật và kỹ năng ứng xử. Nhưng như thế vẫn chưa đủ.

Theo quy định hiện nay, nếu học sinh đánh nhau, tùy độ tuổi, mức độ, tính chất, hậu quả mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, nếu chỉ xử lý bằng những hình thức kỷ luật như viết kiểm điểm, tường trình, cho nghỉ học có thời hạn, hạ hạnh kiểm, xử phạt hành chính, thi thoảng xử lý hình sự vài vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì tệ nạn này sẽ không thể thuyên giảm.

Đã đến lúc ngành giáo dục cũng như các cơ quan chức năng phải đánh giá lại mức độ nghiêm trọng của bạo lực học đường, từ đó sửa đổi tăng nặng hình thức kỷ luật, kể cả mạnh dạn xử lý hình sự đối với học sinh từ đủ 14 tuổi nếu hành vi bạo lực có tổ chức và có tính chất, mức độ nguy hiểm, cho dù tỉ lệ thương tích của nạn nhân thấp. Có như vậy mới đủ sức răn đe với học sinh và cả phụ huynh.