Mới đây, mạng xã hội xôn xao đoạn clip một người đàn ông đi trên ôtô 5 chỗ bước xuống chặn một ôtô khác đòi “chẻ đầu” người lái xe chỉ vì việc chuyển làn trên đường. Người phụ nữ đi cùng thay vì can ngăn “chín bỏ làm mười” thì cũng cùng hăm dọa.

Đụng là “xử”

Vụ việc được xác định xảy ra trên Quốc lộ 13 đoạn qua phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Sau khi clip được chia sẻ trên mạng, dư luận bức xúc cho rằng cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hành vi dùng hung khí nguy hiểm đe dọa người khác.

Cũng xảy ra tại Bình Dương, ngày 21-8, Công an TP Thủ Dầu Một cho biết đang tạm giữ 19 thanh thiếu niên để xử lý hành vi cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng. Theo điều tra ban đầu, N.H.P (SN 2002) điều khiển môtô phân khối lớn, nẹt pô lưu thông trên đường thì xảy ra mâu thuẫn cãi nhau với L.T.N (SN 2004). Do có quen biết trên mạng nên cả hai hẹn nhau đi giải quyết mâu thuẫn “một lần cho xong”. Tối 18-8, N. rủ thêm 18 người cầm nhiều hung khí rảo quanh các tuyến đường tìm P. Khi nhìn thấy đối phương, nhóm N. lao vào chém P. trọng thương rồi cả nhóm lên xe tẩu thoát.

Cuối tháng 5-2022, Công an TP HCM đã tạm giam Trương Hồng Phước (SN 2004) cùng 3 người khác để điều tra hành vi giết người. Tối 9-5, trong lúc đi mua đồ ăn, Phước đã xảy ra mâu thuẫn với một người quen là Lê Văn Dũng (SN 2000).

Sau khi về chung cư, Phước kể lại vụ việc cho nhóm bạn nghe; đồng thời, Phước gọi video call cho Dũng nói chuyện. Trong lúc lời qua tiếng lại, cả hai hẹn đánh nhau. Dũng bị nhóm Phước đâm trọng thương và tử vong 2 ngày sau đó tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Báo động nạn dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn - Ảnh 1.

Một người bị đâm sau khi xảy ra va chạm giao thông ở quận Gò Vấp, TP HCM

Tấn công cả trên mạng

Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều clip mang tính bạo lực được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Thay vì phải báo cáo (report) Facebook, YouTube hoặc TikTok vì clip vi phạm nguyên tắc cộng đồng, nhiều người lại vào cổ vũ cho hành vi sai trái. Ai dám bình luận ngược lại sẽ bị số đông tấn công bằng những lời lẽ thậm tệ, bị gọi mỉa mai là “Phật online”, thậm chí thách thức tìm được địa chỉ nhà sẽ đến đánh…

“Rất đáng ngại cho tư duy dùng bạo lực để ngăn chặn bạo lực ở một bộ phận cư dân mạng. Cần hiểu rằng việc dùng bạo lực trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không thể biện minh, càng không thể dùng bạo lực để ngăn chặn bạo lực” – luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ, nhấn mạnh.

Nhiều năm làm điều dưỡng viên tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chị T.N (Khoa Cấp cứu) cho biết: “Hầu như ngày nào bệnh viện cũng cấp cứu những ca chém nhau do mâu thuẫn rất nhỏ trong cuộc sống. Có những vụ do va chạm giao thông, có vụ chém nhau vì chuyện chó mèo trong khu phố hay cãi nhau vì tiếng ồn karaoke. Đặc biệt, số vụ cấp cứu tăng nhiều vào những ngày nghỉ cuối tuần, lễ, Tết. Chỉ khi người thân qua đời, họ mới gào khóc là giá như lúc đó biết kiềm chế thì không có kết cuộc đau lòng”.

Phân tích nguyên nhân của các vụ giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, luật sư Lưu Tấn Anh Toàn cho rằng chủ yếu do tiếp xúc với nhiều điều tiêu cực của xã hội; đạo đức và ý thức chấp hành, tôn trọng pháp luật của một bộ phận người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, còn hạn chế. Dù pháp luật quy định các mức chế tài dành cho loại tội phạm xâm phạm sức khỏe rất nặng nhưng nhiều người không ý thức được điều đó mà “cố tình” thực hiện hành vi vi phạm.

“Giải quyết mâu thuẫn trên đường bằng bạo lực có xu hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng. Có những vụ xuất phát từ mâu thuẫn trong sinh hoạt thường ngày, làm ăn, công việc, tình cảm. Cũng có những vụ chỉ vì nghe bạn bè rủ rê, bị nói khích… Cách xử lý mâu thuẫn không khéo léo hoặc muốn thể hiện cái tôi, thiếu kiềm chế, thiếu kỹ năng sống dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật, đến khi bị xử lý hình sự, biết ân hận thì đã muộn màng” – luật sư Lưu Tấn Anh Toàn phân tích. 

Mời tham gia diễn đàn

Theo thống kê gần đây của cơ quan chức năng, tội phạm bạo lực có xu hướng tăng. Trong đó, tội phạm giết người chiếm khoảng 2% tổng số các loại tội phạm. Dường như với nhiều người, bạo lực là giải pháp duy nhất để họ hóa giải mâu thuẫn từ áp lực cuộc sống.

Để ngăn chặn, có lẽ không chỉ đơn giản là những hình phạt nghiêm khắc. Làm sao để mọi người, nhất là giới trẻ, nhận thấy trách nhiệm của bản thân trong từng hành động, ứng xử để không bốc đồng, nông nổi? Có cách nào để triệt tiêu suy nghĩ xem bạo lực là cách thức duy nhất giải quyết xung đột? Cần làm gì để xây dựng một môi trường sống lành mạnh, nhân ái, kéo giảm xu hướng bạo lực trong ứng xử giữa người với người?…

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn “Ngăn chặn hành xử bạo lực”. Bài viết gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn.