1. Luôn so sánh con mình với “con nhà người ta”

Muốn con có ý chí vươn lên, câu cửa miệng của cha mẹ là “Con nhà người ta thì…, con nhà mình thì… Nhiều cha mẹ so sánh bất cứ điều gì của con mình với “con nhà người ta”. Trong khi không đứa trẻ nào muốn bị so sánh với người khác, nhất là bạn bè đồng trang lứa. Trẻ có thể tự nhận thức được mình còn thiếu sót, phải nỗ lực nhiều hơn nhưng khi bị so sánh, trẻ cảm thấy bị tổn thương, cho rằng cha mẹ thấy xấu hổ, thất vọng về mình; lâu dần, trẻ đánh mất sự tự tin vào bản thân.

2. Bảo bọc con trong “lồng kính”

Xã hội hiện nay tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến nhiều cha mẹ luôn sống trong trạng thái lo sợ: sợ con bị bắt nạt, sợ con chơi với bạn xấu, sợ con ăn trúng thức ăn độc hại… Vì vậy, họ chọn cách theo sát con 24/7, kiểm soát mọi hoạt động, mọi mối quan hệ của con, giới hạn việc trẻ va chạm với thế giới bên ngoài. Khi nhỏ, trẻ có thể tận hưởng sự quan tâm, bảo bọc này nhưng càng lớn, trẻ càng cảm thấy tù túng, khó chịu, mắc cỡ với bạn bè vì thiếu tự chủ.

3. Dọn sẵn đường đi cho con

Nhiều cha mẹ rất thành công trong sự nghiệp, gia đình có điều kiện tốt về tài chính, địa vị, mối quan hệ… Trẻ sinh ra không cần nhiều nỗ lực cũng có thể có cuộc sống đủ đầy, thuận lợi. Cha mẹ cũng không muốn con phải vất vả nên có khuynh hướng chuẩn bị hết mọi điều kiện, đường hướng cuộc đời cho con. Tuy nhiên, nhiều trẻ có quan điểm, tính cách độc lập và trí tuệ vượt trội, muốn tự xây dựng sự nghiệp, quyết định tương lai của mình. Điều kiện tốt của gia đình tưởng là một lợi thế thì trẻ lại cho đó là áp lực hoặc rào cản vì không có cơ hội được chứng tỏ bản thân, được công nhận năng lực.

Yêu thương luôn là điều trẻ mong muốn được nhận ở cha mẹ. Tuy nhiên, yêu thương cũng cần được thể hiện đúng cách và dựa trên sự thấu hiểu nhu cầu của đối phương, kể cả đó là con của mình.